Bác sĩ chỉ ra tác dụng của đậu lăng đối với sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn

authorNgọc Nga 18:35 23/01/2024

(VietQ.vn) - Theo bác sĩ dinh dưỡng, đậu lăng là một thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người nhất là hệ tim mạch và khả năng chống viêm, giảm tốc độ phát triển khối u.

Đậu lăng cùng họ với những loại đậu khác như đậu đỏ, đậu xanh, đậu Hà Lan... Mỗi trái đậu lăng có khoảng 1 - 2 hạt, hạt đậu có nhiều hình dạng, màu sắc và kích cỡ khác nhau. Đậu lăng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa nhiều chất xơ, hàm lượng carbohydrat phức thấp do đó thời gian bảo quản lâu. Đậu lăng thường được dùng để làm nguyên liệu cho nhiều món ăn như hầm xương, nấu chè, nấu súp, trộn salad nhờ đó mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Nguồn dinh dưỡng tốt giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, đậu lăng có rất nhiều loại, phổ biến như đậu lăng nâu, đậu lăng xanh, đậu lăng đỏ, đậu lăng đen... mỗi loại sẽ có hương vị khác nhau và phù hợp với từng món ăn. Đặc biệt đậu lăng được xem là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch, quản lý đái tháo đường, phòng ngừa ung thư, cải thiện tiêu hóa, giúp giảm cân, điều trị thiếu máu, tăng cường sức khỏe thần kinh và ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch ở phụ nữ có thai và người lớn tuổi. 

 Đậu lăng rất tốt cho hệ tim mạch, chống viêm. Ảnh minh họa

Đậu lăng còn chứa một lượng lớn protein. Mỗi 100 gram đậu lăng chứa 9-10 gram protein, nhiều hơn lượng protein có trong 1 quả trứng gà. Protein giúp duy trì và phục hồi cấu trúc tế bào, làm mạnh cơ bắp, hỗ trợ chức năng miễn dịch và nhiều chức năng khác.

Trong đậu lăng cũng chứa nguồn chất xơ dồi dào, giúp cải thiện quá trình tiêu hóa, ngăn chặn việc tăng đường huyết nhanh chóng và duy trì sức khỏe của hệ tiêu hóa. Mỗi 100 gram đậu lăng chứa 8-9 gram chất xơ, chiếm khoảng 30% lượng chất xơ cơ thể cần, có thể giúp duy trì cảm giác no lâu hơn, giúp kiểm soát cân nặng.

Đậu lăng còn cung cấp nhiều vitamin như vitamin C, vitamin K, vitamin B1 (thiamine), vitamin B2 (riboflavin), vitamin B3 (niacin) và các khoáng chất như mangan, đồng, sắt, magie, kali. Do chứa nhiều chất chống oxy hóa như flavonoid, polyphenol nên đậu lăng có khả năng hỗ trợ chống lại tác động của các gốc tự do trong cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh như đái tháo đường và bệnh lý tim mạch.

Đậu lăng chứa hoạt chất hiếm có khả năng chống viêm, giảm tốc độ phát triển khối u

Selen (hay selenium) là một khoáng chất hiếm được tìm thấy trong đậu lăng. Chúng ít được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác. Selen có khả năng chống viêm, ngăn ngừa tổn thương các mã gien DNA, giảm tốc độ phát triển khối u, cải thiện phản ứng miễn dịch với sự lây nhiễm bằng cách kích thích sản sinh tế bào lympho T diệt mầm bệnh. Bên cạnh đó, selen cũng đóng vai trò hỗ trợ chức năng men gan và hóa giải độc tố một số hợp chất gây ung thư trong cơ thể.

Những người không nên ăn đậu lăng nhiều

Vì đậu lăng có hàm lượng chất xơ cao nên ăn quá nhiều có thể gây ra một số vấn đề về tiêu hóa, dẫn đến đầy hơi và chướng bụng. Nếu ăn nhiều đậu lăng mà uống quá ít nước làm lượng chất xơ cao trong đậu lăng có thể gây táo bón. Trong đậu lăng còn có một loại đường khó tiêu hóa gọi là oligosaccharide. Do đó, những người đang bị đầy hơi, chướng bụng hoặc đã ăn quá nhiều chất xơ rồi cần hạn chế ăn đậu lăng.

Đặc biệt, với đậu lăng đã nảy mầm dù có thể ăn được nhưng không nên sử dụng đậu lăng nảy mầm cho người chống chỉ định với ngũ cốc. Vì chất xơ trong đậu lăng nảy mầm có thể kích thích quá trình tiêu hóa, dẫn đến tăng sản xuất khí và đầy bụng. Nhất là với những người có hệ tiêu hoá kém.

Những người mắc các bệnh lý đường tiêu hóa như rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng không nên ăn đậu lăng nảy mầm. Bởi niêm mạc dạ dày bị tổn thương có thể không thể xử lý các protein trong đậu lăng.

Đậu lăng nảy mầm chứa nhiều purin, một chất có thể gây ra viêm khớp. Vì vậy người mắc các bệnh về xương khớp nên thận trọng khi ăn rau mầm. Đậu lăng nảy mầm chống chỉ định với người mắc bệnh gút và rối loạn vận động của dạ dày do có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Một trong những cách ăn đậu lăng ít gây vấn đề tiêu hóa là ngâm đậu trong nước suốt nhiều giờ trước khi chế biến. Nước có thể hòa tan một số loại đường khó tiêu hóa trong đậu, giúp chúng không đọng lại ruột quá nhiều khi ăn.

Nếu ăn đậu lăng và cảm thấy đầy hơi phải tạm ngừng ăn chúng cho đến khi tình trạng này biến mất. Khi ăn lại đậu lăng, không nên ăn quá nhiều mà bắt đầu với lượng ít sau đó tăng dần lên. Cách này sẽ giúp vừa tận dụng được lợi ích của đậu lăng nhưng cũng tránh được cảm giác khó chịu khi bị đầy hơi, chướng bụng. 

 Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang