Bước đột phá trong việc nghiên cứu và tạo ra vaccine ung thư

author 16:40 19/02/2024

(VietQ.vn) - Từ lâu nhiều quốc gia đã tham gia vào việc nghiên cứu tạo ra những loại vaccine ung thư. Mới đây nhất là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố nước này có một bước đột phá đáng kể trong việc nghiên cứu về bệnh ung thư.

Sau nhiều thập kỷ chỉ đạt thành công hạn chế, các nhà khoa học cho biết nghiên cứu của họ đang đi đến một bước ngoặt, với nhiều dự đoán sẽ có các loại vaccine ung thư trong 5 năm tới. Đây không phải là những loại vắc xin truyền thống ngăn ngừa nhiễm bệnh, mà là những mũi tiêm để thu nhỏ khối u và ngăn chặn ung thư quay trở lại.

Hơn bao giờ hết, các nhà khoa học hiểu cách ung thư ẩn náu khỏi hệ miễn dịch của cơ thể. Vaccine ung thư, giống như các liệu pháp miễn dịch khác, tăng cường hệ thống miễn dịch để tìm và tiêu diệt tế bào ung thư. 

Tại Philadelphia, Tiến sĩ Susan Domchek, Giám đốc Trung tâm Basser tại Penn Medicine, đang tuyển 28 người khỏe mạnh có đột biến BRCA (gien ức chế khối u) để thử nghiệm vaccine. Những đột biến này làm tăng nguy cơ ung thư vú và buồng trứng. Ý tưởng là tiêu diệt các tế bào bất thường từ rất sớm trước khi chúng gây ra vấn đề. Bà Domchek ví nó như việc định kỳ nhổ cỏ trong vườn hoặc xóa bảng trắng. Những nhóm nghiên cứu khác đang phát triển vaccine để ngăn ngừa ung thư ở những người có nốt phổi tiền ung thư và các tình trạng di truyền khác làm tăng nguy cơ ung thư.

Tiến sĩ Steve Lipkin, Nhà di truyền học Y tế tại Weill Cornell Medicine, New York,  Mỹ- người đang dẫn đầu một nỗ lực do Viện Ung thư Quốc gia Mỹ tài trợ, cho biết: “Vaccine có lẽ là mốc quan trọng tiếp theo trong sứ mệnh giảm tử vong do ung thư. Chúng tôi đang cống hiến cuộc đời mình cho điều đó.”

Vaccine ung thư có thể là bước tiến lớn trong điều trị ung thư.

Giữa tháng 4/2023, hai hãng dược phẩm Moderna và Merck công bố thêm các dữ liệu về thử nghiệm vaccine mRNA kết hợp với liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư và cho thấy kết quả khả quan. Vaccine được tùy chỉnh cho từng bệnh nhân, dựa trên nhiều đột biến trong mô ung thư của họ. Một loại vắc xin được cá nhân hóa theo cách này có thể huấn luyện hệ miễn dịch tìm kiếm dấu vết đột biến của bệnh ung thư và tiêu diệt những tế bào đó.

Vaccine thử nghiệm điều trị ung thư da của Moderna có tên mRNA-4157/V940, huấn luyện hệ thống miễn dịch chống lại các tế bào gây bệnh và các tác nhân mà cơ thể xác định là ngoại lai, giống như cách mà vaccine phòng ngừa COVID-19 hầu hết mọi người đều quen thuộc. Tuy nhiên trong trường hợp này, tác nhân ngoại lai là một khối u. mRNA là viết tắt của cụm từ Messenger RNA, hay còn được gọi là RNA thông tin, đây là vật chất di truyền giúp cơ thể tạo ra phản ứng miễn dịch chống lạikhối u ung thư. Tuy nhiên trong thử nghiệm điều trị ưng thu da ác tính, phản ứng miễn dịch từ vaccine là chưa đủ đề áp chế tế bào ung thư.

Một số quốc gia và công ty khác cũng đang nghiên cứu vaccine ngừa ung thư. Ví dụ, vào năm 2023, Chính phủ Anh đã ký thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức để khởi động các thử nghiệm lâm sàng nhằm cung cấp các phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa. Mục tiêu của thỏa thuận này là tiếp cận 10.000 bệnh nhân vào năm 2023.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Anh cho biết sự hợp tác sẽ mang lại cho bệnh nhân ung thư cơ hội tiếp cận với các thử nghiệm cũng như liệu pháp điều trị ung thư mới nhất.

Theo đó, BioNTech sẽ thực hiện những thử nghiệm lâm sàng ngay tại Anh để điều trị cho bệnh nhân thông qua liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp này sẽ kích thích hệ thống miễn dịch để hệ thống có thể nhận biết và loại bỏ các tế bào ung thư. Bộ trưởng Y tế Steve Barclay nhấn mạnh đây là một bước tiến lớn của Anh trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.

Tiếp đến, hơn 90 nhà nghiên cứu đến từ Cuba và Argentina xác định được loại vaccine có tên Racotumomab ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư và tấn công vào khối u nhưng không hề gây ảnh hưởng đến các tế bào và cơ quan xung quanh. Có thể nói đây là một phát minh mới của y học trong điều trị ung thư, mang lại hi vọng cho những bệnh nhân chẩn đoán ung thư phổi và thời gian sống chỉ đếm từng ngày.

Một giáo sư tham gia nghiên cứu cho biết, so với các phương pháp điều trị ung thư phổi khác thì loại vaccine mới mang hiệu quả cao hơn do hóa trị, xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư cũng gây ảnh hưởng đến các mô khác và gây ra nhiều tác dụng phụ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên không thể sử dụng vaccine Racotumomab để thay thế các biện pháp điều trị ung thư hiện tại do mới chỉ có những kết quả sau khi thử nghiệm lâm sàng đối với trường hợp khối u đã tiến triển nặng hoặc di căn. Bên cạnh đó, chi phí để để mua vaccine cũng khá đắt đỏ, điều kiện kinh tế của hầu hết bệnh nhân không đủ khả năng chi trả nên chưa được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Tính đến nay, vaccine đã được cấp phép và bán tại 25 quốc gia trên thế giới có thể kéo dài tuổi thọ của những trường hợp bệnh nhân chỉ sống được thêm 2 năm lên gấp 3 lần. Bên cạnh đó, các chuyên gia vẫn khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả, từ bỏ thuốc lá sẽ là biện pháp kéo dài tuổi thọ của người dân trên thế giới hiệu quả nhất.

Và mới đây nhất, phát biểu trong một diễn đàn ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố nước này mới có một bước đột phá đang kể trong việc nghiên cứu về bệnh ung thư.

Cụ thể, ông Putin cho biết các nhà khoa học Nga đang tiến rất gần trong việc tạo ra vaccine ung thư và sẽ sớm đưa vào sử dụng, theo Reuters.

Tuyên bố này của ông Putin khiến nhiều người quan tâm, nhưng chưa rõ vaccine Nga đang nghiên cứu được dành cho loại ung thư nào và vaccine sẽ có hiệu quả ra sao.

"Chúng ta đã đến rất gần trong việc tạo ra vaccine ung thư và thuốc điều hòa miễn dịch thế hệ mới. Tôi hy vọng vaccine sẽ mang lại hiệu quả như các phương pháp điều trị ung thư cá nhân", ông Ptin nói.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang