Chơi đùa cùng người thân, bé gái vô tình nuốt phải kim băng

author 12:14 24/08/2017

(VietQ.vn) - Bác sĩ Trần Công Ân, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam) cho biết BV vừa cứu sống bệnh nhi nuốt phải kim băng vào trong hạ họng thanh quản.

Chiều 23/8, bác sĩ Trần Công Ân, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Quảng Nam), cho biết bệnh viện vừa cứu sống bệnh nhi 18 tháng tuổi nuốt chiếc kim băng vào trong hạ họng thanh quản.

Quảng Nam: Chơi đùa cùng người thân, bé gái vô tình nuốt phải kim băng đang cài trên ngực áo

Chiếc kim băng nằm ở vùng hạ họng thanh quản của bé gái 18 tháng tuổi. Ảnh: Zing.

Theo Zing, bác sĩ Ân cho biết, khoảng 10h30 ngày 23/8, bệnh viện tiếp nhận cháu Nguyễn Lê Hoàng Vân (đã đổi tên, tạm trú Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) trong tình trạng mệt khó thở, buồn nôn. Được biết, cháu Vân chơi đùa với người thân thì vô tình nuốt chiếc kim băng đang cài trên ngực áo. Vào viện cấp cứu, bé được chụp phim thì phát hiện chiếc kim ở dạng mở (dài hơn 3 cm) và vướng lại ở vùng hạ họng thanh quản.

Các bác sĩ đã tiến hành nội soi họng, gắp lấy cây kim băng ra ngoài. Đến 15h cùng ngày sức khỏe cháu Hoàng Vân ổn định, chuẩn bị xuất viện.

Hóc dị vật là một tai nạn thương tích khá phổ biến. Đã từng có rất nhiều vụ hóc dị vật ở trẻ đã xảy ra phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Năm 2014, một cháu bé 2 tuổi ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba trong tình trạng quấy khóc, đau tức vùng cổ, nuốt nghẹn. Chụp phim X-quang, các bác sĩ phát hiện dị vật tròn đang nằm trong thực quản của bé. Ca mổ nội soi gắp nhẫn ra ngoài được bác sĩ thực hiện ngay.

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng phải cấp cứu cho một bé gái 18 tháng tuổi vô tình nuốt viên đạn nhựa. Vài giờ sau, bé tím tái toàn thân, khó thở, cháu bé được gia đình đưa vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cấp cứu.

Khoa Nội soi (Bệnh viện Nhi Trung ương) thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ hóc dị vật. Tuy nhiên, những ca nuốt phải pin được coi là đặc biệt nguy hiểm. Pin tiết ra hóa chất có khả năng ăn mòn cao nên dễ gây loét thực quản, nếu không được phát hiện và gắp ra sớm dị vật này có thể gây viêm, loét, áp xe thành thực quản, nhiễm trùng… ảnh hưởng đến tính mạng.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn hoặc có thể làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn. Cách phòng tốt nhất là tránh để trẻ nhỏ chơi với các đồ chơi nhiều chi tiết nhỏ, dễ vỡ.

Sơ cứu thế nào để trẻ không tử vong khi nuốt phải dị vật?

Theo BS Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ với Giadinh.net, thông thường khi thấy con hóc, việc người lớn hay làm đầu tiên là đưa tay vào cổ họng trẻ móc dị vật ra dù có nhìn hay không nhìn thấy dị vật. Điều này vô tình sẽ kích thích phản xạ co thắt thanh quản, phản xạ ho đẩy dị vật lên thanh quản gây tắc nghẽn đường thở hoàn toàn và có thể làm trẻ tử vong nhanh chóng.

“Trong trường hợp trẻ bị hóc, sặc dị vật, sau khi xử lý ban đầu nên sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, có thể phải mở khí quản cấp cứu để làm thông thoáng đường thở, nội soi phế quản để lấy dị vật, và điều trị các biến chứng khác do sặc như xẹp phổi, viêm phế quản, viêm phổi, áp xe phổi...”, BS Lương Quốc Chính khuyến cáo.

Quảng Nam: Chơi đùa cùng người thân, bé gái vô tình nuốt phải kim băng đang cài trên ngực áo

Các phương pháp cấp cứu khi trẻ nhỏ bị sặc dị vật vào đường thở. Ảnh: Giadinh.net 

BS Lương Quốc Chính cho biết, kỹ thuật sơ cứu cho trẻ dưới 2 tháng tuổi cần làm các thao tác sau:

- Vỗ lưng (H1): Đặt một tay dưới lưng trẻ, ôm lấy lưng và giữ đầu. Tay còn lại đặt dọc phía trước, nắm chắc lấy hàm. Nhẹ nhàng lật sấp trẻ, tựa tay đặt phía trước trẻ lên đùi, đầu trẻ thấp. Thực hiện 5 lần vỗ lưng tại vị trí giữa hai vai trẻ.

- Đẩy ngực (H2): Đặt một tay dọc, ôm lấy lưng trẻ, đầu trẻ nằm trong bàn tay, nhẹ nhàng lật ngửa trẻ, tay đặt phía trước ép chặt phía trước trẻ. Hạ thấp và tựa tay đỡ lưng trẻ xuống đùi, đầu trẻ thấp. Dùng 2-3 ngón tay đặt lên trung tâm ngực trẻ, đẩy ngực vào trong và lên trên ngực trẻ lõm xuống 3.8cm.

- Cấp cứu hồi sinh tim phổi khi trẻ ngừng tuần hoàn/ngừng thở (H3): Trùm miệng bạn lên miệng và mũi trẻ. Thổi ngạt nhẹ nhàng 2 lần, mỗi lần kéo dài 1 giây, tạm dừng giữa 2 lần thổi để khí thoát ra.

- Ép ngực 30 lần (H4): Đặt trẻ nằm ngửa, dùng 2-3 ngón tay ấn xuống trung tâm thành ngực sao cho lún 3.8cm, nhịp độ ấn ngực 100 lần/phút. Thực hiện luân phiên 2 lần thổi ngạt và 30 lần ép ngực.

Kĩ thuật sơ cứu cho trẻ nhỏ tập đi, trẻ trên 1 tuổi:

- Vỗ lưng (H5): Ngồi hoặc đứng sau trẻ, đặt tay chéo qua ngực, nghiêng trẻ ra trước. Dùng gót bàn tay vỗ lưng 5 lần tại vùng giữa hai vai.

- Đẩy bụng (Heimlich - H6): Ngồi hoặc đứng sau trẻ, hai tay ôm quanh eo trẻ, nắm một bàn tay và đặt lên bụng (vùng thượng vị), bàn tay kia bọc lấy bàn tay nắm. Đẩy và kéo bụng vào trong và lên trên 5 lần.

- Kĩ thuật hồi sinh tim, phổi khi trẻ ngừng tuần hoàn (H7): Thổi ngạt 2 lần: Bóp chặt mũi trẻ, miệng trùm lên miệng trẻ, nhẹ nhàng thổi ngạt 2 lần. Sau đó ép ngực 30 lần: Gót một bàn tay đặt trên xương ức trẻ, gót bàn tay kia đặt lên bàn tay trên xương ức, các ngón của bàn tay đan với nhau. Ép ngực mạnh và nhanh thành ngực lún 5cm, nhịp độ ấn ngực 100 lần/phút. Thực hiện luân phiên liên tục 2 lần thổi ngạt, 30 lần ép ngực càng lâu càng tốt cho đến khi trẻ tự thở lại.

“Để tiến hành sơ cứu thành công, cần phải phát hiện đúng loại tắc nghẽn và đánh giá được các tình huống để áp dụng các kĩ thuật phù hợp. Phần lớn những ca tử vong do suy hô hấp đường thở là do không sơ cứu kịp thời, bệnh nhân vào viện trong tình trạng tim đã ngừng đập”, BS Lương Quốc Chính cho biết.

'Án mạng' từ một chén rượu, giáo sư cả đời không quên(VietQ.vn) - Từng có hàng chục năm thâm niên trong nghiên cứu bệnh về gan nhưng GS. Cù Dao vẫn không thể quên trường hợp bệnh nhân gan tử vong vì đúng 1 chén rượu.

Dũng Linh (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang