Cơ hội đầu tư và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường các-bon

author 14:31 17/06/2023

(VietQ.vn) - Nằm trong chuỗi sự kiện “Cộng đồng và doanh nghiệp Việt Nam - Ứng phó biến đổi khí hậu”, ngày 16/6 tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra Lễ phát động chiến dịch Race To Net Zero và Diễn đàn "Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường các-bon". Chương trình do Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp với các cơ quan ban, ngành, địa phương tổ chức.

Tham dự chương trình có lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội; đại diện các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; lãnh đạo các Hội, Hiệp hội, các Cục, Vụ, Viện thuộc cơ quan bộ, ban, ngành; đại diện các Sở TN&MT, Sở Công thương, Sở NN&PTNT khu vực phía Nam; các Viện nghiên cứu, các trường đại học; đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ sở tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lễ phát động chiến dịch "Race To Net Zero”

Theo đó, Race To Net Zero là chiến dịch xuyên suốt đến năm 2050 về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Chuyển đổi sang thế giới phát thải ròng bằng 0 là một trong những thách thức lớn nhất mà loài người phải đối mặt. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi hoàn toàn về cách thức chúng ta sản xuất, tiêu thụ và di chuyển.

Ngành năng lượng là nguồn phát sinh của khoảng 3/4 lượng phát thải khí nhà kính hiện nay, do đó nắm giữ vai trò then chốt trong việc giảm thiểu tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu. Việc thay thế nhiệt điện than, khí đốt và dầu gây ô nhiễm bằng năng lượng từ các nguồn tái tạo, chẳng hạn như gió hoặc mặt trời, sẽ làm giảm đáng kể lượng phát thải các-bon.

 TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Thực hiện cam kết về mục tiêu NetZero mà Chính phủ cam kết vào năm 2050 là chương trình rất lớn. Trong đó, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức, các doanh nghiệp cần cải tiến công nghệ, phát triển các khu tích trữ các-bon, do đó cần chuyển đổi phương thức sản xuất bằng việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và tiêu dùng.

Bởi vậy cần có một số giải pháp, cụ thể: các Bộ như Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách, khung pháp lý. Với doanh nghiệp cần nhìn nhận cơ hội từ trong thách thức, khi đầu tư công nghệ sẽ có thị trường các-bon.

"Cơ hội đầu tư, thương mại và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thị trường các-bon"

Nghị định 06/2022/NĐ-CP được ban hành ngày 07/1/2022 đã có những quy định về lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín dụng trong nước và quốc tế. Đây là căn cứ pháp lý mới nhất quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon.

Đối với lộ trình phát triển thị trường các-bon Việt Nam, giai đoạn đến hết năm 2027, xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ các-bon; Xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường các-bon.

Từ năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức, quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon khu vực và thế giới. Để thực hiện các quy định trên, hơn 1.900 doanh nghiệp (thuộc các ngành công thương, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường) sẽ phải cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê khí nhà kính của cơ sở của năm trước kỳ báo cáo theo hướng dẫn của bộ quản lý lĩnh vực trong năm 2023.

Thị trường các-bon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero. Thị trường vận hành theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm” phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường. Trong thị trường các-bon, đây là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Khi tham gia thị trường các bên liên quan đều hài hòa được lợi ích.

Thị trường tuân theo quy tắc “thuận mua – vừa bán”. Nhà nước sẽ thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ các hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ các-bon hay thuế các-bon trong tương lai. Những khoản phí này sẽ được tái tạo cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ các-bon...

Trong khi đó, bên bán các-bon cũng sẽ hưởng lợi do là những đơn vị thực hiện tốt các giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ các-bon, giải pháp xanh sẽ được áp dụng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

PV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang