Động lực nào giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2021 trước muôn vàn khó khăn?

author 06:29 05/01/2022

(VietQ.vn) - Tăng trưởng kinh tế năm 2021 ước tính đạt 2,58% so với năm trước, đây là thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Tổng cục Thống kê, 2021 là một năm đầy thách thức với kinh tế Việt Nam, dịch Covid-19 với biến chủng mới đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, GDP quý III giảm sâu (giảm 6,02% so với cùng kỳ năm trước). Nhiều tỉnh, thành phố là đầu tàu kinh tế, trọng điểm sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang,…

Trước tình hình đó, Chính phủ đã ban hành quyết sách kịp thời phòng chống sự lây lan của dịch bệnh và phát triển kinh tế đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt là Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả của dịch Covid-19”, cùng với các chính sách đảm bảo an sinh xã hội khác. Điều này đã “cởi trói” dần cho nền kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, lưu thông giữa các tỉnh, thành phố đã cởi mở hơn, kinh tế dần hồi phục và tăng trưởng trở lại ở những tháng cuối năm.

Động lực nào giúp kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong năm 2021 trước muôn vàn khó khăn?

 Nhờ 6 động lực mà kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng trong năm 2021.

Tăng trưởng kinh tế năm 2021 ước tính đạt 2,58% so với năm trước, đây là thành công lớn của nước ta trong việc phòng chống dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Có được sự tăng trưởng này là nhờ rất nhiều yếu tố thúc đẩy.

Thứ nhất, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất cây trồng và chăn nuôi đạt khá. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng các sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trước những thuận lợi và khó khăn đan xen, kết quả hoạt động năm 2021 của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi được kiểm soát kịp thời, tránh tình trạng bùng phát dịch lớn. Giá bán một số nông sản tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (đặc biệt là hồ tiêu, khiến giá trị xuất khẩu sản phẩm này tăng hơn 40% so với năm 2020 dù khối lượng xuất khẩu giảm). Đồng thời đóng góp từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng của sản phẩm nông nghiệp.

Cây lâu năm được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa mang tính bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Nhiều giống cây lâu năm có chất lượng, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, năng suất ổn định đã được đưa vào sản xuất, đồng thời các biện pháp kỹ thuật canh tác, thâm canh đồng bộ đã được triển khai tại các vùng trên cả nước. Sản xuất lúa gạo tiếp tục xu hướng tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị “Thương hiệu hạt gạo Việt”.

Xu hướng chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chất lượng cao vẫn tiếp tục thể hiện qua kết quả trồng trọt, rõ nét nhất là cơ cấu lúa chất lượng cao ngày được tăng lên. Sản lượng lúa cả năm tăng 2,61% nhưng giá trị sản xuất lúa tăng 2,67% do tỷ trọng sản lượng lúa chất lượng trong tổng số được nâng lên, sản lượng lúa chất lượng cao tăng 3,93%. Ngoài ra, sản lượng một số sản phẩm chất lượng cao khác như xoài cát chu tăng 5,5%; sầu riêng hạt lép tăng 23%.

Thứ hai, sản xuất công nghiệp trong quý IV/2021 khởi sắc ngay sau khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2020 (năm 2020 tăng 3,3%). Mức tăng trưởng này của ngành công nghiệp trong bối cảnh toàn cầu và Việt Nam chịu tác động nặng nề của đại dịch covid-19 là điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế năm 2021.

Cụ thể, một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm có chỉ số sản xuất năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 22,1% (kim ngạch xuất khẩu sắt, thép tăng 123,4%, xuất khẩu các sản phẩm từ sắt thép tăng 29,4%); sản xuất xe có động cơ tăng 10,2% (kim ngạch xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 17,6%); khai thác than tăng 9% (kim ngạch xuất khẩu than đá tăng 119,9%); sản xuất than cốc và dầu mỏ tinh chế tăng 8,1% (kim ngạch xuất khẩu xăng dầu tăng 45,9%); dệt tăng 8,3%; sản xuất trang phục tăng 7,5% (kim ngạch xuất khẩu dệt, may tăng 9,2%); sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 9,6% (kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,8%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 12,2%);…

Thứ ba, hoạt động thương mại, vận tải trong nước, khách du lịch quốc tế dần khôi phục trở lại. Quý IV/2021 so với quý III/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 28,1%; vận chuyển hành khách tăng 48,4%, luân chuyển hành khách tăng 51,3% và vận chuyển hàng hóa tăng 31,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 28,4%; khách quốc tế đến nước ta tăng 62,7%. Tính chung năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%); vận tải hành khách giảm 33% (năm 2020 giảm 29,6%) và luân chuyển giảm 42% (năm 2020 giảm 34,1%); vận tải hàng hóa giảm 8,7% (năm 2020 giảm 5,2%) và luân giảm 1,8% (năm trước giảm 6,7%). Khách quốc tế đến nước ta năm 2021 giảm 95,9% so với năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc độ tăng cao, là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; kim ngạch nhập khẩu đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%, chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất chiếm đến 93,5% tổng kim ngạch (tăng 26,8% so với năm trước).

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2021 xuất siêu 4 tỷ USD.

Thứ tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội và vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả khả quan trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên diện rộng. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam.

Ước tính năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

Thứ năm, trong quý IV/2021, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh về số doanh nghiệp, số vốn đăng ký và số lao động với tốc độ tăng lần lượt là tăng 70,4% về số doanh nghiệp, tăng 64,1% về số vốn đăng ký và tăng 24,7% về số lao động so với quý III/2021. Tính chung năm 2021, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 13,4% về số doanh nghiệp, giảm 27,9% về vốn đăng ký và giảm 18,1% về số lao động so với năm trước.

Cuối cùng, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản năm 2021 tăng 0,81%.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang