Đồng Tháp: Gần 42.000 sản phẩm bút bi nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam

author 06:33 04/08/2023

(VietQ.vn) - Mới đây, đội Quản lý thị trường số 4 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh văn phòng phẩm phát hiện số lượng lớn bút bi nhập khẩu không có đầy đủ nhãn mác.

Cụ thể, qua công tác nắm bắt tình hình hoạt động của các cơ sở kinh doanh có hoạt động mua bán hàng hóa qua các trang mạng thương mại điện tử, ngày 31 /7/2023, Đội QLTT số 4 (Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp) tiến hành kiểm tra đột xuất tại hộ kinh doanh văn phòng phẩm K.L (địa chỉ: Xã Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) đang hoạt động kinh doanh mua bán dưới hình thức thương mại điện tử.

Qua kiểm tra Đội QLTT số 4 phát hiện hộ kinh doanh văn phòng phẩm K.L buôn bán 41.472 sản phẩm bút bi nhập khẩu (xuất xứ Trung Quốc) có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, tổng trị giá tang vật 10.368 triệu đồng.

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa không có nhãn phụ tiếng Việt

Ngoài ra, Đội QLTT số 4 còn phát hiện hộ kinh doanh lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi bán hàng đến người tiêu dùng; sử dụng biểu tượng đã thông báo để gắn lên wetsite thương mại điện tử bán hàng khi chưa được duyệt hoặc xác nhận thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Đội QLTT số 4 đã tạm giữ tang vật và hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, trình Cục trưởng Cục QLTT xử phạt vi phạm hành chính về 3 hành vi vi phạm nêu trên với tổng số tiền 40 triệu đồng, buộc khắc phục nhãn hàng hóa trước khi đưa hàng hóa ra lưu thông trên thị trường theo quy định.

Theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc".

Đồng thời, khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này".

Như vậy, theo quy định này, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu và các tổ chức, cá nhân khi bày bán, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu phải chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trường hợp cá nhân, tổ chức buôn bán hàng hóa là hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam là vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi bổ sung tại Nghị định 126/2021/NĐ-CP.

Bảo Linh 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang