Hà Nội: Gần 20% cơ sở bán thức ăn đường phố không đảm bảo an toàn thực phẩm

author 16:58 21/09/2017

(VietQ.vn) - Hà Nội hiện có khoảng 20% số cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc rất lớn.

TS Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Ngộ độc thực phẩm, Cục trưởng Cục ATTP - Bộ Y tế cho biết, dịch vụ kinh doanh thức ăn đường phố không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới cũng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại là quản lý ATTP tại các cơ sở này không hề dễ dàng.

Theo thống kê của Cục ATTP, năm 2016, trong số các vụ ngộ độc thực phẩm được ghi nhận trên toàn quốc thì 3,2 - 5,7% tổng số vụ là do thức ăn đường phố, nhiều nơi xảy ra đến 2 - 3 vụ ngộ độc thực phẩm trên cùng một địa bàn.

Còn theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố có trên 5.200 cơ sở thức ăn đường phố, trên 26.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Qua kiểm tra, giám sát, có hơn 80% cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đạt điều kiện về cơ sở vật chất và đảm bảo các tiêu chí ATTP, khoảng gần 20% số cơ sở chưa đạt.

Vi phạm chủ yếu tại các cơ sở này là điều kiện vệ sinh không đảm bảo, chậm thay thế trang thiết bị dụng cụ cũ hỏng, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa kể đến việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, quản lý ATTP đối với dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố là nội dung trọng tâm trong công tác ATTP của TP Hà Nội trong suốt những năm qua, nhờ đó đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, 99% cơ sở thức ăn đường phố ở Hà Nội đã ký cam kết đảm bảo ATTP. Dù vậy, gần 20% cơ sở thức ăn đường phố chưa đạt ATTP vẫn là con số gây trăn trở rất lớn. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu rõ, có nhiều chủ cơ sở vì lợi nhuận mà thiếu trách nhiệm với sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, chính quyền cơ sở ở nhiều nơi chưa quyết liệt xử lý vi phạm.

Gần 20% cơ sở buôn bán thực phẩm đường phố của Hà Nội không đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: ĐSPL 

Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, qua giám sát và kiểm tra cho thấy, các quận huyện, xã phường đều ra quân kiểm tra rất tích cực.
 
“Thế nhưng, có những quận, phường đã ra quân kiểm tra đến 200 cơ sở, phát hiện tới 40% số cơ sở vi phạm, song không xử phạt được cơ sở nào. Lý do được đưa ra là các cơ sở thức ăn đường phố chủ yếu là cơ sở nhỏ, tạm bợ, rồi tâm lý ở địa phương còn có sự thân quen, nể nang” - ông Trần Ngọc Tụ nêu.

Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết thêm, khó khăn nữa trong kiểm tra ATTP với các cơ sở thức ăn đường phố là nhiều cơ sở thường xuyên lưu động và đặc biệt ở các khu vực ven đô, khu có đông người lao động thuê trọ, khu có nhiều công trình xây dựng dở dang... thường có nhiều quán ăn bình dân không đảm bảo VSATTP.

Hiện tại, UBND TP Hà Nội đã có quy định giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các địa phương trong công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn, trong đó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra ATTP ít nhất 1 tuần 1 lần, Phó Chủ tịch UBND phường phải trực tiếp đi kiểm tra 2 lần 1 tuần… Tuy vậy, từ thực tiễn ở cơ sở, ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng phần lớn các phường giao nhiệm vụ đảm bảo ATTP cho Trạm Y tế phường nên dễ dẫn tới quá tải.

Mặt khác, thực tế có không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quy mô nhỏ như quán trà sữa, cháo dinh dưỡng nhưng đứng tên công ty và do thành phố cấp giấy chứng nhận kinh doanh nên ở cấp xã phường, quận huyện khó vào kiểm tra kịp thời. Do vậy, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy kiến nghị thành phố cần hướng dẫn phân cấp quản lý về ATTP triệt để hơn nữa.

Ngày 28/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký Quyết định số 5996/QĐ-UBND ban hành Bộ tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại các quận/huyện/thị xã, xã/phường/thị trấn và cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bộ tiêu chí chấm điểm gồm 25 tiêu chí, với thang điểm tối đa là 100 điểm nhưng có thêm các tiêu chí phụ để xét điểm thưởng (5 điểm) hoặc điểm trừ (10 điểm). Một số tiêu chí nổi bật để chấm điểm gồm: Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; hoạt động của Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm; triển khai công tác thực hiện thủ tục hành chính về an toàn thực phẩm theo phân cấp; tổ chức phát động hay hội nghị triển khai về an toàn thực phẩm trong dịp cao điểm; công khai các cơ sở không thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm...

Với Bộ tiêu chí này, những quận/huyện/thị xã hay xã/phường/thị trấn đạt 100 điểm trở lên (cả điểm cộng) sẽ được xếp loại xuất sắc; đạt từ 90 đến dưới 100 điểm được xếp loạt A (tốt), từ 70 đến 89 điểm được xếp loại B (khá), từ 50 đến dưới 70 điểm được xếp loại C (trung bình).

Tương tự, tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại hộ sản xuất, cơ sở sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm cũng được xây dựng theo thang điểm 100, bao gồm 5 tiêu chí cụ thể: Chấp hành các quy định pháp luật chung; thực hiện đầy đủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát chất lượng sản phẩm; áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại, các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; điểm thưởng (đóng góp các quỹ xã hội từ thiện nhân đạo, tầm ảnh hưởng, uy tín của sản phẩm đối với xã hội).

Phong Lâm (T/h)

Nhiều tỉnh đồng loạt ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm trước Tết Trung thu (VietQ.vn) - Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP của nhiều tỉnh đã đồng loạt ra quân để kiểm tra tình hình kinh doanh, sản xuất thực phẩm trước Tết Trung thu.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang