Hà Nội lên kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035

author 17:14 16/04/2024

(VietQ.vn) - Lấy ý kiến về bản kế hoạch quản lý chất lượng không khí hồi tháng 3, UBND TP Hà Nội cho hay nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong không khí trung bình năm tại thành phố giai đoạn 2018-2020 vượt gần hai lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (25 μg/m3).

Sự kiện: DẤU CHÂN CARBON

Theo ông Kim Văn Chinh, Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và Mô hình hóa môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết TP Hà Nội bị ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 (đường kính từ 2,5 micron trở xuống) và bụi PM 10 (dưới 10 micron). NO2 và O3 - các chất kích ứng tổn hại đường hô hấp, có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ.

Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và Mô hình hóa môi trường (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết TP Hà Nội bị ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 (đường kính từ 2,5 micron trở xuống) và bụi PM 10 (dưới 10 micron). NO2 và O3 - các chất kích ứng tổn hại đường hô hấp, có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ.

Ông Chinh dẫn số liệu từ trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ đối với bụi PM 2.5 cho thấy tỷ lệ số ngày có chất lượng không khí tốt năm 2021 hơn 9,6%, số ngày kém và xấu 27,6%; năm 2022 lần lượt là hơn 5% và 47%.

Lấy ý kiến về bản kế hoạch quản lý chất lượng không khí hồi tháng 3, UBND TP Hà Nội cho hay nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong không khí trung bình năm tại thành phố giai đoạn 2018-2020 vượt gần hai lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (25 μg/m3). Số ngày trong năm 2019 có chỉ số chất lượng không khí kém và xấu chiếm hơn 30%, một số ngày không khí ở ngưỡng rất xấu.

Về nguồn gây ô nhiễm, các chuyên gia môi trường cho rằng có 5 nguồn chính gồm: Phương tiện giao thông đường bộ (cả bụi đường), công nghiệp, dân sinh, đốt sinh khối và nông nghiệp. Ngoài ra, ô nhiễm còn đến từ nguồn bên ngoài Hà Nội. Trong đó, giao thông vận tải đang là nguồn phát thải PM 2.5 lớn nhất, chiếm 50-70%, tiếp đến từ nguồn sản xuất công nghiệp. Các nguồn sản xuất sản xuất nông nghiệp và dân sinh gây ô nhiễm ít.

Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2030 bảo đảm chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình theo chỉ số AQI ít nhất 75% số ngày trong năm.

Bà Lưu Thị Thanh Chi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1142/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Kế hoạch xây dựng dựa trên những quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cùng các nghiên cứu khoa học, yêu cầu phát triển của thành phố và kinh nghiệm thực tiễn.

Ảnh minh họa

Kế hoạch đã đánh giá khách quan thực trạng công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian qua, từ các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các nguồn gây ô nhiễm chính, các giải pháp cụ thể và toàn diện, bắt đầu từ việc rà soát chính sách, đến các hành động cụ thể. Qua đó, nhằm đạt được mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các nguồn phát thải chính là giao thông, xây dựng, công nghiệp.

Theo đó, Kế hoạch quản lý chất lượng không khí (CLKK) thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, đã đưa ra 5 mục tiêu cần đạt được.

Một là, tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP thông qua kiểm soát nguồn phát sinh khí thải, giám sát CLKK xung quanh, cảnh báo, dự báo nhằm cải thiện chất lượng môi trường không khí, giảm thiểu các tác động đến kinh tế, xã hội và sức khoẻ cộng đồng.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường không khí nhằm hỗ trợ thiết lập hệ thống tổ chức, quản lý, theo dõi, đánh giá, hỗ trợ và xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo về CLKK tại các khu đô thị tập trung đông dân cư và nhiều nguồn thải trên TP Hà Nội.

Ba là, kiểm soát các nguồn phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh và đốt mở trên địa bàn TP thông qua các giải pháp về thể chế và kỹ thuật kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn phát thải.

Bốn là, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, giữa các tỉnh, TP trong vùng Thủ đô nhằm thực hiện những sáng kiến cải thiện CLKK trên diện rộng.

Năm là, huy động và đảm bảo các nguồn lực để thực thi hiệu quả các giải pháp cải thiện CLKK ngắn, trung và dài hạn.

Đáng chú ý, kế hoạch này đặt ra chỉ tiêu phấn đấu 75 – 80% số ngày trong năm có chỉ số CLKK (VN_AQI) ở mức tốt và trung bình. Đồng thời, duy trì và tiếp tục cải thiện các thông số SO2, NO2, CO, O3 trong môi trường không khí TP nằm trong giới hạn cho phép của QCVN05:2023/BTNMT.

Lộ trình thực hiện từ nay đến 2025 sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên bao gồm hoàn thiện thể chế chính sách, kiểm kê nguồn thải, giảm phát thải từ các nguồn thải chính (đặc biệt là nguồn phát thải từ giao thông, công nghiệp và nông nghiệp), ưu tiên các giải pháp ở khu vực nội đô nơi tập trung nhiều dân cư, giao thông và phát triển kinh tế; thiết lập cơ chế cảnh báo và ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Tiếp đó, giai đoạn 2025 – 2030 sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, thiết lập cơ chế phối hợp liên tỉnh, giảm phát thải đồng bộ từ các nguồn phát thải chính. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ ưu tiên theo lộ trình.

Để thực hiện được những mục tiêu trên, kế hoạch đưa ra 7 nhiệm vụ và giải pháp cần phải triển khai. Đó là: rà soát và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý CLKK; tăng cường kiểm soát phát thải từ phương tiện cơ giới tham gia giao thông; tăng cường kiểm soát phát thải từ các hoạt động sản xuất công nghiệp; tăng cường kiểm soát phát thải từ đốt phụ phẩm nông nghiệp, năng lượng, xây dựng và rác thải.

Thực hiện cảnh báo nguy cơ ô nhiễm không khí và hành động ứng phó với ô nhiễm không khí nghiêm trọng; tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, công nghệ và quản lý chất lượng môi trường không khí; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao năng lực, nhận thức và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng.

QCVN 05:2023/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí

Trong Quy chuẩn này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Thông số cơ bản là các thông số được sử dụng để quan trắc định kỳ, tự động, liên tục nhằm đánh giá chất lượng không khí, gồm có 07 thông số: SO2 (lưu huỳnh (sulfur) dioxide), CO (carbon monoxide), NO2 (nitơ (nitrogen) dioxide), O3 (ozone), TSP (tổng bụi lơ lửng), bụi PM10, bụi PM2,5.

Thông số độc hại là các hợp chất vô cơ hoặc hữu cơ có tính chất gây hại tới sức khỏe con người và môi trường, được lựa chọn để quan trắc theo mục tiêu của chương trình quan trắc.

Tổng bụi lơ lửng (TSP) là các hạt bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 100 m.

Bụi PM10 là các hạt bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 10 m.

Bụi PM2,5 là các hạt bụi có đường kính khí động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 m.

Trung bình một giờ là giá trị trung bình của các giá trị đo được trong khoảng thời gian một giờ.

Trung bình 8 giờ là giá trị trung bình của các giá trị đo được trong khoảng thời gian 8 giờ.

Trung bình 24 giờ là giá trị trung bình của các giá trị đo được trong khoảng thời gian 24 giờ (một ngày đêm).

Trung bình năm là giá trị trung bình của các giá trị đo được các ngày trong khoảng thời gian một năm.

Mét khối khí chuẩn (Nm3) là mét khối khí ở nhiệt độ 25oC và áp suất tuyệt đối 760 mm thủy ngân.

2. Quy định kỹ thuật

2.1. Giá trị giới hạn tối đa của các thông số cơ bản trong không khí xung quanh được quy định tại bảng: Giá trị giới hạn tối đa các thông số cơ bản trong không khí xung quanh

 Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang