Hà Nội: Ô nhiễm không khí vượt ngưỡng 8 lần so với khuyến nghị của WHO
NCB tăng vốn điều lệ, sẵn sàng nguồn lực tái cơ cấu toàn diện ngân hàng trong 2024
Quảng Trị: Trang trại nuôi hơn 10.000 con lợn xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng
Nhiều người dân Hà Nội bám bốt điện, trạm biến áp để kinh doanh bất chấp rủi ro
Theo Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề cấp bách. Các kết quả quan trắc cho thấy, số ngày có chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) ở mức kém và xấu chiếm tỉ lệ hơn 30% tổng số ngày quan trắc trong năm.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn, xuất hiện trên toàn thành phố, trong đó khu vực nội thành ô nhiễm nghiêm trọng hơn ngoại thành.
Theo kết quả nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và Mô hình hoá môi trường thực hiện, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm của thành phố trong giai đoạn 2017-2020 đều vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia gần 2 lần và vượt hơn 8 lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Riêng với NO2 và O3, ô nhiễm cục bộ đã xuất hiện tại một số thời điểm.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hoá môi trường, tỷ lệ đóng góp của các nguồn thải vào nồng độ bụi mịn PM2,5 tại 11 điểm trên địa bàn thủ đô tuỳ vào từng thời điểm là khác nhau. Trong đó nguồn thải từ giao thông chiếm khoảng 58-74%, từ công nghiệp 14-23%, từ nông nghiệp 3,4-18,9%, còn lại đến từ các hoạt động dân sinh và đốt rác. Nghiên cứu cũng chỉ ra, gần 50% bụi PM2,5 đến từ nguồn bên ngoài thành phố.
Theo bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, dân số Thủ đô đã lên tới gần 9 triệu người, trong đó đô thị chiếm trên 40%. Thành phố có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, hơn 7 triệu xe gắn máy và hơn 600.000 ôtô, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu. Tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp và rác thải tự phát đang diễn ra thường xuyên.
“Đây chính là những nguồn phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt ô nhiễm không khí’, bà Chi nói. Thành phố đang phải đối mặt những tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người dân và phát triển bền vững.
Đến nay, Hà Nội chưa kiểm kê tổng thể các nguồn phát thải vào không khí. Tuy nhiên, báo cáo hiện trạng môi trường cho hay thành phố phải đối mặt vấn đề ô nhiễm không khí, chủ yếu do bụi PM 2.5, gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng và thiệt hại về kinh tế. Trung bình mỗi năm Hà Nội có thêm hơn 1.000 ca nhập viện do bệnh tim mạch, gần 3.000 ca nhập viện do bệnh hô hấp, lần lượt tương đương 1,2% và 2,4% tổng số ca nhập viện.
Để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, UBND thành phố vừa ban hành Kế hoạch Quản lý chất lượng môi trường không khí thành phố Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Một trong những mục tiêu quan trọng là tới năm 2030 ít nhất 75-80% số ngày trong năm có chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt và trung bình, giảm khoảng 20% lượng bụi PM2,5 từ các nguồn thải chính so với năm 2019, tương đương khoảng 6.200 tấn PM2.5.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trương Hà Nội, xác định giao thông là nguyên nhân lớn nhất gây ô nhiễm không khí, thành phố sẽ triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm từ nguồn này. Một số giải pháp cụ thể như tiếp tục triển khai Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030”.
Xây dựng kế hoạch phát triển giao thông công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh, phát triển giao thông phi cơ giới, có biện pháp nhằm thu hồi, loại bỏ phương tiện cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng các cơ chế, chính sách về kiểm định, kiểm soát khí thải từ phương tiện cơ giới đang lưu hành, đặc biệt là xe máy.
Ngoài ra, thành phố sẽ tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến giao thông chính của các khu vực nội thị, đông dân cư để hạn chế bụi phát tán, đặc biệt trong điều kiện thời tiết hanh khô, lặng gió.
Theo GS. TS Hoàng Xuân Cơ, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, qua nghiên cứu cho thấy, bụi đường là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn ở Hà Nội. Vì vậy, việc khôi phục hoạt động rửa đường là rất quan trọng.
Ông Kim Văn Chinh, Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hoá môi trường cũng cho rằng, cùng với các giải pháp kiểm soát các nguồn thải, cần có cơ chế phối hợp giữa Hà Nội và các địa phương lân cận để giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm từ bên ngoài thành phố.
Theo các chuyên gia, việc giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí không chỉ riêng sự vào cuộc của các cấp, các ngành mà cần sự chung tay của cả người dân. Mỗi người dân cần tự ý thức đối với từng hành động của mình để cùng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân nên thường xuyên theo dõi ứng dụng quan trắc không khí để có biện pháp chủ động giảm thiểu thiệt hại. Với những ngày ô nhiễm không khí từ ngưỡng đỏ (có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, hạn chế vận động tập thể dục, lao động ngoài trời. Ngoài ra, hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Trường hợp cần ra khỏi nhà nên sử dụng khẩu trang có khả năng loại bỏ bụi mịn PM2.5. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Quy chuẩn chất lượng không khí Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 05:2023/BTNMT về chất lượng không khí do Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Pháp chế trình duyệt; Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành theo Thông tư số /2023/TT-BTNMT ngày tháng năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định giá trị giới hạn tối đa các thông số cơ bản và thông số độc hại trong không khí xung quanh: SO2 trung bình một giờ là 350ug/Nm3, 24 giờ là 125, trung bình năm là 50; C0 một giờ là 30.000ug/Nm3, 24 giờ là 100; N02 quy định trung bình 1 giờ là 200, 24 giờ là 100, trung bình năm là 40; Tổng bụi lơ lửng là 300 trong 1 giờ, trong 24 giờ là 200, trung bình năm là 100; Bụi mịn PM quy định trung bình 24 giờ là 100ug/Nm3; Bụi PM quy định trung bình 24 giò là 50, trung bình năm là 25. Giá trị giới hạn tối đa của một số chất độc hại trong không khí xung quanh thì chì sẽ có mức giới hạn là 1,5; Arsenic là 0,03; thủy ngân là 0,3... Quy chuẩn cũng quy định việc quan trắc định kỳ hoặc tự động, liên tục chất lượng không khí và sử dụng kết quả quan trắc để trực tiếp cung cấp, công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng phải được thực hiện bởi tổ chức đáp ứng yêu cầu, điều kiện về năng lực quan trắc môi trường theo quy định pháp luật. Việc quan trắc chất lượng không khí định kỳ cần căn cứ vào mục tiêu quan trắc để lựa chọn các thông số quan trắc phù hợp. Căn cứ quy định tại Mục 3 QCVN 05:2023/BTNMT, các phương pháp được sử dụng để xác định giá trị về chất lượng không khí theo QCVN 05:2023/BTNMT gồm: Phương pháp quan trắc các thông số trong không khí xung quanh. Kết quả quan trắc từ thiết bị quan trắc tự động, liên tục chất lượng không khí đáp ứng các yêu cầu về đặc tính kỹ thuật theo quy định của pháp luật. |
Ngọc Nga (T/h)