Kiên Giang: Thu giữ nhiều đồng hồ giả mạo nhãn hiệu giá trị lớn

author 19:46 17/08/2023

(VietQ.vn) - Đội QLTT số 2, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kiên Giang mới đây đã thu giữ đồng hồ Rolex, Tissot giả với giá trị lớn, hồ sơ vụ buôn bán đồng hồ đeo tay giả sẽ được trình tiếp lên cơ quan công an để điều tra làm rõ.

Vừa qua, Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Kiên Giang phối hợp Đội chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) Công an tỉnh Kiên Giang kiểm tra hộ kinh doanh CTW (địa chỉ trên đường Trần Quang Khải, phường An Hòa, TP.Rạch Giá) do ông Nguyễn Văn T làm chủ hộ kinh doanh.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ 91 cái đồng hồ đeo tay các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng như Rolex, Omega, Tissot, Longines, Rado, Citizen, Casio.

Quá trình thẩm tra, xác minh vụ việc và tài liệu do đại diện chủ thể quyền các nhãn hiệu cung cấp, Đội QLTT số 2 xác định có 88 cái đồng hồ giả mạo nhãn hiệu Rolex, Omega, Tissot, Longines, Rado, Casio giá trị hơn 480 triệu đồng và 3 cái đồng hồ Citizen nhập lậu, có giá trị trên 7 triệu đồng.

 Số đồng hồ giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ.

Đội QLTT số 2 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi: buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và kinh doanh hàng hóa nhập lậu.

Xét thấy hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu có dấu hiệu tội phạm, ngày 15/8, Đội QLTT số 2 tỉnh Kiên Giang đã chuyển giao hồ sơ vụ việc sang cơ quan Cảnh sát điều tra để tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến hành vi giả mạo nhãn hiệu, Điều 213 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định: Hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và giả mạo chỉ dẫn địa lý (sau đây gọi là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu) quy định tại khoản 2 Điều này và hàng hoá sao chép lậu quy định tại khoản 3 Điều này.

Hàng hoá giả mạo nhãn hiệu là hàng hoá, bao bì của hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hàng hoá sao chép lậu là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.

Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi sau đây thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.

Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự. Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.

Như vậy, vi phạm một trong những điều trên là vi phạm vào quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu. Tương đương với từng hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang