Ngành gỗ hướng tới tăng trưởng xuất khẩu nhờ khai thác hiệu quả nguồn tín chỉ carbon

author 10:34 09/03/2024

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh thách thức của nền kinh tế toàn cầu, ngành gỗ Việt Nam cho thấy những dấu hiệu tích cực khi hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD trong năm 2024 nhờ vào việc khai thác hiệu quả nguồn tín chỉ carbon.

Ảnh minh họa.

Theo ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch HAWA, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chỉ đạt 14,5 tỷ USD so với 15.8 tỷ USD năm 2022, một trong những thị trường giảm mạnh nhất là EU. Bước qua 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực và dự kiến năm nay phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 16 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu trên, các doanh nghiệp ngành gỗ cần hiểu rõ, đáp ứng và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ nhiều phía để tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, trong đó có vấn đề tài chính carbon và thị trường carbon. Nếu biết khai thác hiệu quả nguồn tín chỉ carbon này, ngành gỗ không chỉ đóng góp vào mục tiêu Net Zero mà còn gia tăng hiệu quả kinh tế từ nguồn tài chính xanh cho những người trồng rừng.

Thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho thấy, hiện nay, thông qua Cơ chế REDD+ (Cơ chế: Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng), một số tổ chức quốc tế ký kết với chính quyền địa phương hoặc quốc gia để chi trả tài chính nhằm hạn chế nạn phá rừng và phục hồi rừng. Tổng giá trị thị trường carbon từ rừng toàn cầu được chi trả năm 2023 đạt xấp xỉ 2 tỷ USD và tất cả đều thông qua Cơ chế REDD+.

Vừa qua, theo ký kết với World Bank, lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tín chỉ, dự kiến thu về 51,5 triệu USD. Và năm 2023 là năm đầu tiên chúng ta nhận được tiền chi trả là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh lập kế hoạch chi trả cho chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ gồm: Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, và Quảng Trị.

Về ngành gỗ, đóng vai trò hấp thụ và lưu trữ carbon, là một trong số ít ngành sản xuất phát thải khí nhà kính âm so với các ngành khác với cùng mục đích sử dụng như sản xuất đá, mỹ nghệ từ đá, hoặc các ngành sản xuất nguyên vật liệu khác như nhựa, bê tông, thép… nên ngành gỗ có thể tận dụng thay thế cho các nguyên liệu trên trong xây dựng để giảm phát thải carbon.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Quỹ Vinacarbon (Quỹ đầu tư tư nhân đầu tư vào các công ty và các dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon) nhận định, tiềm năng tạo tín chỉ carbon từ các doanh nghiệp ngành gỗ là rất lớn do cây có tính năng hấp thụ carbon trong khí quyển và lưu trữ trong gỗ, hoặc có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng như một nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, gỗ có thể được sử dụng thay thế cho các vật liệu phát thải cao khác như bê tông, nhựa, kim loại...

Đặc biệt, Việt Nam với 14 triệu ha rừng-nếu quản lý bền vững sẽ tạo ra các tín chỉ carbon thông qua hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, tăng hấp thụ carbon, tăng nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp, mang đến giá trị lớn cho nền kinh tế. Song để tạo ra được tín chỉ carbon, doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải.

Các chuyên gia cũng nhất trí quan điểm rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia quản lý rừng bền vững, sử dụng nguyên liệu được chứng nhận, phát triển sản xuất theo hướng carbon thấp cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách. Các cơ chế, chính sách cần tập trung khuyến khích tài chính, ưu đãi đầu tư cho xanh hóa sản xuất, sản xuất hàng hóa không gây mất rừng; thúc đẩy tiêu dùng gỗ, sản phẩm gỗ có chứng nhận; các cơ chế giám sát, tạo sự công bằng trong sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ được chứng nhận. Ngoài ra, cần hỗ trợ xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong thực hiện quản lý rừng bền vững, hoạt động giảm phát thải khí nhà kính để đạt hiệu quả cao và đồng bộ.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang