Nữ sinh hôn mê sâu sau khi sử dụng thuốc an thần Rotudin

author 17:12 06/03/2024

(VietQ.vn) - Việc lạm dụng các loại thuốc, thuốc an thần ở người trẻ có dấu hiệu gia tăng. Trong thời gian ngắn Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 2 trường hợp độc do sử dụng thuốc quá liều.

Thuốc an thần hay thuốc điều trị bệnh mất ngủ, dường như đã không còn xa lạ với người trẻ hiện nay. Thậm chí, nó còn là một vật bất ly thân để giúp họ có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ nhanh hơn mà không cần tốn quá nhiều công sức.

Thực chất, thuốc an thần là loại thuốc hỗ trợ điều trị chứng rối loạn giấc ngủ và giúp người dùng ngủ sâu, kéo dài thời gian ngủ hơn. Đây là một loại thuốc mà Bộ Y tế khuyến cáo không được tự do buôn bán tràn lan tại các hiệu thuốc nếu không được cấp phép hay kê đơn của bác sĩ. Thế nhưng, các hiệu thuốc vẫn ghi nhận số lượng đến hỏi mua thuốc an thần của các bạn trẻ tương đối nhiều.

Nhiều người trẻ đang lạm dụng thuốc an thần. Ảnh minh họa

Mới đây, theo thông tin từ bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cứu bệnh nhi D.N.B.N (15 tuổi, ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) trong tình trạng hôn mê sâu do ngộ độc thuốc an thần Rotudin.

Được biết, bệnh nhân N. là học sinh nội trú ở một trường thuộc địa bàn Quận 12, TP Hồ Chí Minh. Tối trước ngày nhập viện, cô giáo vẫn tiếp xúc bình thường với em. Tuy nhiên, cách thời điếm nhập viện 3 giờ, cô giáo gọi dậy, N. có mở mắt nhưng không dậy, lơ mơ, không trả lời, không sốt. Sau đó, cô giáo phát hiện thấy 1 hộp thuốc Rotudin 30mg trên giường, trong thùng rác có 10 vỉ Rotudin, 1 vỉ 10 viên, đã bóc hết vỏ thuốc.

Ngay lập tức, cô giáo đưa trẻ nhập viện địa phương. Tại đây, bé được chẩn đoán ngộ độc thuốc an thần Rotundin, các bác sĩ sơ cứu rồi chuyển Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh.                       

Tại bệnh viện, bệnh nhân được đặt nội khí quản có bóng chèn, thở máy; rửa dạ dày, sử dụng than hoạt để loại bỏ thuốc Rotudin ra khỏi cơ thể. Đồng thời, truyền dịch 1,5 nhu cầu cơ bản hàng ngày nhằm bù đắp lượng dịch và điện giải bị mất do ngộ độc.

Sau 3 ngày điều trị tích cực, tình trạng trẻ cải thiện dần, trẻ tỉnh táo, nhận biết được xung quanh, tự thở khá, cai máy thở thành công, được khám và tư vấn tâm lý để hỗ trợ vượt qua cú sốc tinh thần.  

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận trường hợp nữ bệnh nhân N.T.L cùng 15 tuổi, đến bệnh viện trong tình trạng nôn ói nhiều, nghi do ngộ độc thuốc Paracetamol.

Theo người nhà, bệnh nhân đã uống hai mươi viên Paracetamol 500mg. May mắn, được phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương.

Qua 2 trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh cần quan tâm đến phát triển tâm sinh lý của trẻ vị thành niên, bên cạnh việc học tập văn hóa.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên phối hợp với chuyên gia tâm lý học đường để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giúp nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh, kịp thời phát hiện các vấn đề tâm lý và hỗ trợ trẻ.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang