Ổ cứng truyền thống tốc độ thua thiệt nhưng có lợi thế về khả năng lưu trữ, tái chế

author 19:37 28/12/2023

(VietQ.vn) - Với tốc độ xử lý chậm, kích thước lớn ổ cứng HDD (ổ cứng đĩa) đang dần bị thay thế bởi ổ cứng SSD (ổ cứng thể rắn) có tốc độ xử lý cao hơn. Tuy nhiên xét về khả năng lưu trữ và thân thiện với môi trường ổ HDD đang tỏ ra vượt trội.

Hai loại ổ này được thiết kế theo những cách thức hoàn toàn khác nhau. Ổ cứng SSD được chế tạo dựa trên công nghệ lưu trữ điện tĩnh có tên là flash NAND và không cần đến nguồn điện để lưu trữ dữ liệu, không bị ảnh hưởng bởi các giới hạn về kích thước và hình dạng của ổ cứng. Đối với ổ cứng HDD, từ giữa những năm 1950, máy tính đã bắt đầu sử dụng loại ổ cứng này – loại ổ có cơ chế dựa trên đĩa quay từ tính. 

Ổ cứng máy tính HDD và SSD. Ảnh minh họa

Có thể thấy ổ cứng HDD được sử dụng từ rất sớm và hiện nay loại ổ cứng này đang bộc lộ nhiều nhược điểm, thậm chí nhiều người còn cho rằng “ngày tàn” của ổ cứng HDD đã đến. Tuy nhiên, trong một phát biểu mới đây Giám đốc phát triển kinh doanh ổ cứng tại Toshiba, Rainer Kaese tin rằng ổ cứng truyền thống (HDD) sẽ có một tương lai tươi sáng. Được biết Toshiba hiện là một trong những nhà sản xuất ổ cứng chính trên thị trường.

Theo GearRice, cơ sở để ông Kaese đặt niềm tin vào ổ cứng truyền thống chính là tại các trung tâm dữ liệu, nơi các hệ thống cần lưu trữ dữ liệu lớn. Ông Kaese cho rằng, ổ cứng HDD vẫn duy trì sự chênh lệch về chi phí trên mỗi GB so với ổ SSD khoảng 7 lần khi xét đến các mức dung lượng lớn. Ưu điểm này tiếp tục cho thấy tầm quan trọng của ổ cứng truyền thống.

Không chỉ có vậy, ổ cứng HDD có ưu điểm lớn hơn nhiều so với SSD về mức không gian lưu trữ. Trong khi sự xuất hiện của SSD 8 TB hoặc thậm chí 4 TB là rất hiếm, các ổ HDD dung lượng lên đến 30 TB đã có mặt trên các cửa hàng. Mặc dù tốc độ chậm hơn nhiều so với SSD nhưng HDD có thể đạt tốc độ cực lớn khi hoạt động song song. Để ví dụ, Toshiba cho biết công ty có một dàn 78 ổ cứng 18 TB hoạt động ở tốc độ 17 Gbps.

Một ưu điểm khác của HDD là chúng có thể được ghi nhiều lần hơn SSD, vì vậy nó trở thành lựa chọn lý tưởng cho các trung tâm dữ liệu, nơi các tập tin được di chuyển liên tục. Ngoài ra, khả năng tái chế của ổ HDD tốt hơn nhiều nhờ được làm bằng nhôm và đồng, trong khi ổ SSD dựa vào bảng mạch in, chip và nhựa. Dẫu vậy, Kaese thừa nhận một trong những điều cần cải thiện ở ổ cứng là lượng điện tiêu thụ cần thiết để đĩa quay.

Trước sự đối đầu giữa HDD và SSD, người dùng cần xác định mục tiêu sử dụng để chọn lựa phù hợp. HDD vẫn là sự lựa chọn tốt cho những người muốn lưu trữ nhiều dữ liệu giải trí, nhưng không muốn đầu tư quá nhiều về chi phí. Đối với những công việc đòi hỏi tốc độ xử lý cao và di chuyển thường xuyên, SSD là lựa chọn tối ưu.

Một sự kết hợp lý tưởng là lắp đặt cả ổ HDD và SSD trên cùng một máy tính. Điều này giúp tối ưu hóa tốc độ khởi động và hiệu suất sử dụng, đồng thời đảm bảo lượng lưu trữ lớn và khả năng tái chế của ổ HDD. Người dùng sẽ tận hưởng sự linh hoạt và lợi ích của cả hai loại ổ cứng trong một hệ thống đa dạng và hiệu quả.

Chuẩn ổ cứng hiện nay

SATA (Serial ATA): SATA là chuẩn kết nối ổ cứng phổ biến cho cả HDD và SSD trong nhiều năm. Nó cung cấp tốc độ truyền dữ liệu cao và dễ dàng kết nối với hầu hết các máy tính và laptop hiện đại.

SAS (Serial Attached SCSI): SAS là một chuẩn mới hơn so với SATA, thường được sử dụng trong môi trường doanh nghiệp và máy chủ. SAS cung cấp hiệu suất cao và hỗ trợ nhiều ổ cứng kết nối song song.

PCIe (Peripheral Component Interconnect Express): Chuẩn PCIe là một giao diện kết nối trực tiếp với bo mạch chủ, thường được sử dụng cho các ổ cứng SSD. Nó cung cấp tốc độ truyền dữ liệu rất cao và làm tăng hiệu suất hệ thống.

NVMe (Non-Volatile Memory Express): NVMe là một giao diện chuyên biệt cho các thiết bị lưu trữ flash như SSD. Nó tối ưu hóa hiệu suất của ổ cứng flash và được sử dụng rộng rãi trong các ổ cứng SSD cao cấp.

IDE (Integrated Drive Electronics): IDE là một chuẩn kết nối cũ hơn, thường được sử dụng cho các ổ cứng HDD trong quá khứ. Hiện nay, chuẩn này đã lỗi thời và ít được sử dụng trong các hệ thống mới.

M.2: Chuẩn kết nối M.2 thường được sử dụng cho các ổ cứng SSD gắn trực tiếp vào bo mạch chủ hoặc laptop. Nó nhỏ gọn và hỗ trợ cả giao diện SATA và NVMe.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:ổ cứng, máy tính, laptop, PC, HDD, SSD

tin liên quan

video hot

Về đầu trang