Phạt lỗi không sang tên đổi chủ: Cần có quy định "mở"

author 08:09 11/11/2012

(VietQ.vn) - Qua ngày đầu xử lý vi phạm theo nghị định 71 đã nảy sinh nhiều thắc mắc từ phía người dân. Nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định “mở” đối với trường hợp “đặc biệt”...

 Còn nhiều ý kiến băn khoăn 

Qua ngày đầu xử lý vi phạm cũng cho thấy Nghị định 71 quy định  mức xử phạt của nhiều nhóm vi phạm trong tăng lên so với NĐ 34, song điều người dân quan tâm nhất là quy định xử phạt lên tới 10 triệu đồng đối với chủ sở hữu phương tiện không làm thủ tục sang tên, đổi quyền sở hữu. Bởi thực tế hiện nay, việc người dân sử dụng xe cũ, mua qua tay nhiều người mà không sang tên đổi chủ là rất lớn.
 
Chẳng hạn như xe máy đã mua qua 3 đời chủ, việc đi đăng ký lại có bị phạt hay không. Hay đăng ký xe, hợp đồng mua bán giữa chủ sở hữu hiện tại và chủ cũ không có trong khi chủ phương tiện cũ đã qua đời, vậy xe đó có được đi đăng ký lại?Hoặc một tình trạng phổ biến hiện nay là những người trong gia đình đi xe của nhau thì có  bị CSGT xử phạt hay không...
 
Hoặc nhiều người “chơi” xe cổ, những xe này sẽ được xử lý như thế nào… Còn rất nhiều băn khoăn, thắc mắc của người dân được gửi đến Phòng CSGT và cơ quan chức năng và đề nghị cơ quan chức năng nên có những quy định “mở” đối với những trường hợp chủ xe thực sự không thể tìm được giấy tờ và mong muốn được đăng ký lại.
 
Mất trắng xe nếu không sang tên đổi chủ
 
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn  Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT CATP  về những thắc mắc của người dân sau ngày đầu tiên Nghị định 71 có hiệu lực.

Thưa Đại tá Đào Vịnh Thắng, ông có thể cho biết về các lỗi vi phạm trong ngày đầu nghị định 71 có hiệu lực?
 
- Trong ngày đầu Nghị định có hiệu lực, lực lượng CSGT đã xử phạt 357 trường hợp vi phạm với nhiều lỗi khác nhau. Trong số 357 trường hợp vi phạm không có trường hợp nào liên quan đến lỗi không sang tên đổi chủ. Quan điểm của lực lượng CSGT trong những ngày đầu vẫn tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, đặc biệt là người ngoại tỉnh, hay như người lao động, học sinh, sinh viên..
 
- Vấn đề người dân đang băn khoăn nhất hiện nay là có nhiều người đang sử dụng xe đã mua bán qua rất nhiều đời chủ, họ cũng có mong muốn được sang tên đổi chủ. Đồng chí có thể cho người dân biết những trường hợp này, sẽ được giải quyết thế nào? 
 
- Đối với những phương tiện dù đã mua bán qua rất nhiều đời chủ nhưng nếu chủ sở hữu hiện tại chưa làm thủ tục đăng ký, sang tên đổi chủ thì người dân cần phải đến các cơ sở đăng ký làm thủ tục theo quy định. Những thủ tục, giấy tờ có liên quan phục vụ cho việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu phương tiện đều đã được quy định cụ thể tại Chương 3 của Thông tư 36 Bộ Công an. Người dân có thể tham khảo thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc trên mạng Intenret. 
Nhiều bất cập đã nảy sinh từ việc thực hiện một số quy định được cho là chưa phù hợp trong nghị định 71
Nhiều bất cập đã nảy sinh từ việc thực hiện một số quy định được cho là chưa phù hợp trong nghị định 71

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bị mất hết giấy tờ và không tìm được chủ cũ của phương tiện thì sẽ xử lý thế nào?
 
- Những trường hợp này thì chủ phương tiện phải  tìm cách liên hệ với chủ cũ để xin lại. Còn nếu không có đầy đủ những giấy tờ trên, đương nhiên phương tiện này không được chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ và cơ quan đăng ký không thể nào cấp lại đăng ký được. Bởi thực tế đây không phải là lỗi của cơ quan đăng ký. Quy định chủ phương tiện phải đi đăng ký, chuyển quyền sở hữu trong khoảng thời gian mua bán xe 30 ngày đã có hiệu lực từ rất lâu. Trong thông tư 36 và 37 của Bộ Công an ban hành năm 2010 cũng đã quy định rất rõ điều này. Tuy nhiên, do mức xử phạt đối với hành vi không sang tên, chuyển quyền sở hữu phương tiện theo các văn bản, thông tư trước NĐ 71 còn thấp, do vậy người dân đã không thực hiện. Đối với những phương tiện có giá trị cao, đây còn là hình thức lách luật, trốn thuế của Nhà nước.
 
Vậy còn việc sử dụng xe đi mượn, đặc biệt là tình trạng dùng chung xe trong gia đình thì sao, thưa ông?
 
- Tất cả những ai có đủ điều kiện điều khiển phương tiện đều được phép lái xe đối với loại phương tiện được ghi trong giấy phép lái xe. Thực tế chuyện trong gia đình vợ, chồng đi xe của nhau hoặc con cái đi xe của bố mẹ, bạn bè, người thân cho nhau mượn rất nhiều. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện trên chỉ được phép lưu hành khi có đầy đủ những điều kiện như: Có giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển; có đăng ký phương tiện và nếu là ô tô thì phải có sổ kiểm định an toàn kỹ thuật. Khi CSGT kiểm tra xử lý, nếu lỗi vi phạm không bắt buộc phải giữ giấy tờ, phương tiện mà người điều khiển lại có đủ 3 loại giấy tờ trên thì CSGT chỉ xử phạt lỗi lái xe mắc phải. Còn trong trường hợp lái xe không có đủ 3 loại giấy tờ trên và mắc phải những lỗi buộc phải tạm giữ phương tiện, đăng ký thì đương nhiên CSGT sẽ thực hiện đúng quy định.
 
Nhưng điều đó dễ dẫn đến tình trạng người dân đi xe của mình nhưng lại nói là mượn. Làm thế nào để xác minh được?
 
- Việc xác minh đối với những người vi phạm trong trường hợp bị vi phạm những lỗi bị tạm giữ giấy tờ, phương tiện tại những cơ sở xử lý của CSGT cũng không quá phức tạp. Hiện toàn bộ các phương tiện đã đăng ký đều được CSGT có hồ sơ lưu. Điều này sẽ dễ dàng xác định được người điều khiển phương tiện vi phạm đi mượn xe thật hay mua bán không làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. 
 
Có một thực tế là hiện nay có rất nhiều người “chơi” xe cổ. Những xe này phần lớn là không có giấy tờ nguồn gốc, vậy có bị tịch thu phương tiện hay không?
 
- Trong NĐ 23 của Chính phủ đã quy định rất rõ thời gian, độ “tuổi” của phương tiện được phép lưu hành. Đối với những phương tiện đã hết thời gian lưu hành thì đương nhiên sẽ không được đăng ký, đăng kiểm và tham gia giao thông. Người chủ sở hữu chỉ có thể để ở nhà phục vụ nhu cầu sưu tầm cá nhân nhưng nếu tham gia giao thông ngoài đường sẽ bị tịch thu.

- Ông có khuyến cáo gì đối với người dân về việc thực hiện Nghị định 71?
 
- Để siết chặt công tác quản lý, đăng ký và cũng bảo vệ quyền lợi cho người dân, chủ sở hữu phương tiện, người dân khi mua bán phương tiện dù giá trị tài sản có lớn hay nhỏ thì đều phải thực hiện đăng ký, chuyển quyền sở hữu. Điều này không những giúp cho cơ quan chức năng dễ dàng quản lý phương tiện, thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT mà người dân còn chứng minh, bảo vệ được quyền sở hữu hợp pháp của mình khi cần thiết. 
 
Theo ANTD
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang