Quy định mới về việc kiểm soát, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp

author 06:20 02/02/2024

(VietQ.vn) - Thông tư 23/2023/TT-BNNPTNT do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành chính thức có hiệu lực từ 1/2/2024, đánh dấu bước tiến mới trong việc kiểm soát và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Thông tư 23/2023/TT-BNNPTNT, tài liệu sử dụng để đo đạc kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính gồm: Kết quả công bố hiện trạng rừng toàn quốc hằng năm, báo cáo kết quả điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng toàn quốc, các số liệu thống kê ngành lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Số liệu thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Số liệu thống kê về lâm nghiệp và sử dụng đất của Tổng cục Thống kê; Các báo cáo và số liệu thống kê về lâm nghiệp và đất đai do cơ quan có thẩm quyền của địa phương ban hành.

Theo đó, các loại khí nhà kính kiểm kê, bao gồm: Carbon dioxide (CO2), Methane (CH4) và Nitrous oxide (N2O). Các loại khí CH4 và N2O sau khi tính toán được quy đổi thành khí CO2 tương đương (CO2tđ) theo Hướng dẫn của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Số liệu thống kê, kiểm kê đất đai theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ là một trong những tài liệu sử dụng để đo đạc kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Theo quy định mới, có nhiều biện pháp được áp dụng nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có: Bảo vệ rừng tự nhiên; Bảo vệ rừng ven biển; Trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất trên đất không có rừng; Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, làm giàu rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên; Phát triển rừng trồng gỗ lớn; Phát triển các mô hình nông lâm kết hợp; Quản lý rừng bền vững.

Việc các định khu vực thực hiện các biện pháp giảm nhẹ dựa vào thông tin, dữ liệu xác định các biện pháp giảm nhẹ; xây dựng các lớp thông tin chuyên đề xác định ranh giới của từng biện pháp giảm nhẹ; xác định ranh giới của từng biện pháp giảm nhẹ.

Trong đó, thông tin, dữ liệu xác định các biện pháp giảm nhẹ gồm: Bản đồ hiện trạng rừng thời điểm xác định khu vực thực hiện; bản đồ ranh giới 3 loại rừng; bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; bản đồ địa hình gồm các lớp ranh giới hành chính, đường bình độ, điểm độ cao, khu dân cư, đường giao thông;

Xây dựng các lớp thông tin chuyên đề xác định ranh giới của từng biện pháp giảm nhẹ, gồm: Lớp ranh giới trạng thái rừng từ bản đồ hiện trạng rừng; lớp phân khu chức năng của các khu rừng đặc dụng từ bản đồ ranh giới 3 loại rừng; lớp ranh giới khu vực được chi trả dịch vụ môi trường rừng từ bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng; lớp mô hình số độ cao từ bản đồ địa hình; lớp độ dốc từ mô hình số độ cao; lớp khoảng cách đến các khu dân cư từ lớp khu dân cư của bản đồ địa hình; lớp khoảng cách đến đường giao thông chính từ lớp đường giao thông của bản đồ địa hình;

Xác định ranh giới của từng biện pháp giảm nhẹ: Thực hiện chồng xếp không gian các lớp thông tin chuyên đề bằng các phần mềm hệ thống thông tin địa lý thành lớp thông tin tổng hợp; phân tích, lựa chọn xác định ranh giới cho từng biện pháp giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mức phát thải cơ sở của từng biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là rất quan trọng. Mức phát thải cơ sở của từng biện pháp giảm nhẹ được xây dựng cho từng năm của giai đoạn thực hiện biện pháp giảm nhẹ.

Cụ thể, mức phát thải cơ sở được xây dựng dựa trên các thông tin sau: Diễn biến hiện trạng bảo vệ, quản lý và phát triển lâm nghiệp trong 5-10 năm trước năm cơ sở; Tình hình phát triển kinh tế - xã hội tác động đến phát triển lâm nghiệp trước khi thực hiện biện pháp giảm nhẹ; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn thực hiện biện pháp giảm nhẹ.

Trình tự xây dựng mức phát thải cơ sở của một biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính quy định tại Mục I Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này. Mức phát thải cơ sở được cập nhật trong trường hợp thay đổi phương pháp tính toán, hệ số phát thải, số liệu hoạt động dẫn đến thay đổi đáng kể lượng phát thải, hấp thụ của mức phát thải cơ sở và được thể hiện trong báo cáo kết quả giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Có thể thấy, quy định mới mang lại cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực lâm nghiệp trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Sự hỗ trợ từ Thông tư 23/2023/TT-BNNPTNT mở ra hướng đi mới, đảm bảo rằng ngành lâm nghiệp đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang