Sẽ có “ốc đảo” dành cho các nhà khoa học

author 09:19 10/12/2012

(VietQ.vn) - Việt Nam sẽ sớm xây dựng một Viện nghiên cứu khoa học công nghệ như là một ốc đảo riêng biệt, với những điều kiện vật chất tiên tiến nhất, có cơ chế đặc biệt và luật riêng dành cho các nhà khoa học - Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết.

Cách đây ít ngày, một trang báo mạng đã đăng tải bức thư của giáo sư Nguyễn Văn Thuận, hiện đang làm việc tại Hàn Quốc bày tỏ một nỗi trăn trở mà giáo sư Thuận gọi là “ở lại xây nhà hàng xóm giàu trong khi nước mình còn nghèo”. Bức thư đã làm dấy lên một cuộc tranh luận, thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới trí thức trong nước về việc, liệu những nhà khoa học Việt Nam thành đạt ở nước ngoài có nên trở về Việt Nam để đóng góp cho nước nhà tại thời điểm này hay không.

Việt- Hàn sẽ phối hợp triển khai các nghiên cứu chung trong lĩnh vực KH&CN
Việt- Hàn sẽ phối hợp triển khai các nghiên cứu chung trong lĩnh vực KH&CN

Nỗi trăn trở của giáo sư Thuận hay sự băn khoăn của nhiều tri thức được bày tỏ ngay sau khi chính sách về trọng dụng nhân tài được nhấn mạnh trong Nghị quyết của Đại hội Trung ương 6 mới đây. Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời ngày 9/12 đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân về vấn đề này.

Thưa Bộ trưởng, trong cuộc tranh luận về bức thư của Giáo sư Thuận đã có một kết quả thăm dò giật mình, đó là có tới hơn 60% bạn đọc cho rằng Giáo sư Thuận không nên trở về nước trong thời điểm này. Điều kiện nghiên cứu khoa học và thu nhập chưa tương xứng với nước ngoài là một thực tế, tuy nhiên, điều băn khoăn hơn cả là cách thức sử dụng nhân tài, trong đó có việc tuyển dụng và bổ nhiệm còn chưa đạt đúng mức yếu tố tài năng. Bộ trưởng nghĩ như thế nào về kết quả thăm dò này?


Tôi hơi thất vọng với những ý kiến phản đối nguyện vọng rất chính đáng của một nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn quay trở về đóng góp trí tuệ cho quê hương. Đương nhiên, ở trong nước còn rất nhiều khó khăn so với điều kiện ở nước ngoài, nhưng chúng ta nên ủng hộ những người có tâm huyết với đất nước, bởi khi trở về, có thể họ không đóng góp được nhiều cho khoa học như khi làm việc ở nước ngoài, nhưng ít nhất, họ sẽ đóng góp thiết thực cho chính quê hương đất nước của chúng ta, một đất nước còn đang rất khó khăn, mới vượt qua ngưỡng của một nước kém phát triển, đang rất cần đóng góp về trí tuệ của những người Việt Nam cả trong và ngoài nước.


Thưa Bộ trưởng, trong bức thư, giáo sư Thuận đã cho biết sẽ quay trở về Việt Nam, tuy nhiên bên cạnh đó, có hàng nghìn các nhà khoa học của Việt Nam đang ở nước ngoài và các du học sinh còn nhiều băn khoăn về cơ chế đãi ngộ và chính sách trọng dụng đối với nhân tài trong khoa học công nghệ. Vậy, theo Bộ trưởng, cơ sở nào để họ có thể tin rằng, quyết định trở về Việt Nam là đúng đắn?

Khi thông tin đến với những nhà khoa học ở nước ngoài chưa thật đầy đủ thì họ băn khoăn là đúng. Tôi đề nghị các nhà khoa học hãy tìm kiếm thêm thông tin và có thế trao đổi với các cơ quan quản lý ở trong nước. Hiện nay, Bộ Khoa học Công nghệ đang trình Quốc hội luật Khoa học Công nghệ sửa đổi, trong đó có rất nhiều điều khoản sửa đổi bổ sung chắc chắn sẽ tạo những điều kiện làm việc tốt hơn, môi trường làm việc thuận lợi hơn cho các nhà khoa học.

Xem video Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời tại đây -> vietq.vn/video

Chúng tôi cũng có thể thành lập các Viện nghiên cứu mạnh, các tập thể khoa học mạnh để thực hiện những nhiệm vụ nhà nước giao cũng như theo nhu cầu của xã hội. Đặc biệt, trong thời gian vừa rồi, Chính phủ đã có cơ chế riêng cho một số đơn vị khoa học. Tôi tin rằng các nhà khoa học sẽ có những ốc đảo, trong đó điều kiện làm việc không khác xa ở nước ngoài.

Nếu có thể nói ngắn gọn trong một vài câu để thuyết phục các nhà khoa học trở về nước làm việc ngay lập tức, Bộ trưởng sẽ nói gì?

Tôi có thể nói là Đảng và Nhà nước luôn luôn coi trọng trí thức là người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài, Đương nhiên, trong điều kiện đất nước còn rất khó khăn đòi hỏi các nhà khoa học cũng phải dấn thân. Nếu những người thực sự có lòng yêu nước, thực sự mong muốn đóng góp cho quê hương thì hãy trở về. Trong phạm vi quyền hạn của mình, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình để chăm lo cho các nhà khoa học.

Viện KIST ở Hàn Quốc. Ảnh: Kist.re.kr
Viện KIST ở Hàn Quốc. Ảnh: Kist.re.kr

Bộ trưởng vừa nhắc tới những ốc đảo dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ. Vậy, những ốc đảo đó sẽ dành những điều kiện thuận lợi như thế nào cho những nhà khoa học Việt Nam về nước để công tác?

Chúng tôi sẽ tập trung đầu tư và kêu gọi nguồn vốn ODA của nước ngoài để xây dựng những viện nghiên cứu có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại tương đương với những viện nghiên cứu của nước ngoài. Chúng tôi sẽ áp dụng những cơ chế quản lý tiên tiến, không theo những mô hình quan liêu và bao cấp của chúng ta. Chúng tôi cũng sẽ đặt hàng các viện nghiên cứu và kêu gọi doanh nghiệp đặt hàng, biến nó trở thành những viện nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp để có thể có những nguồn thu lớn của xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động nghiên cứu cũng như nâng cao đời sống của nhà khoa học.

Có một giáo sư đã chia sẻ rằng, sau nhiều năm giảng dạy ở nước ngoài, ông đã quyết định về nước để làm việc. Tuy nhiên, điều đầu tiên ông gặp phải là những khó khăn trong thủ tục xuất nhập cảnh, thủ tục xin giấy phép lao động cũng như gặp khó khăn trong việc mua nhà để ở. Vị giáo sư này chia sẻ, môi trường Việt Nam đang làm cho ông có cảm giác như một người khách hơn là một người con trở về quê hương. Vị giáo sư này băn khoăn rằng, không biết bao giờ thì chính sách trải thảm đỏ để đón các nhà khoa học từ nước ngoài về bớt đi những tính chung chung hô hào mà trở nên thực tế hơn…

Đối với chính sách trải thảm đỏ thì văn bản của Đảng và Nhà nước đều rất thông thoáng, cởi mở, nhưng những người thực hiện trực tiếp đã không làm được như vậy. Chúng tôi mong rằng, các giáo sư, các nhà khoa học khi về Việt Nam nếu gặp những vấn đề như vậy có thể phản ảnh với các cơ quan quản lý hoặc phản ảnh trực tiếp với chúng tôi. Chúng tôi sẽ cố gắng can thiệp với các cơ quan chức năng để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho họ trở về.

Thưa Bộ trưởng, trong chính sách thu hút các nhà khoa học trở về cống hiến cho nền khoa học công nghệ nước nhà, có kinh nghiệm nào chúng ta có thể học hỏi ngay từ các nước khác?

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Tổng thống Hàn Quốc đã ký thỏa thuận, theo đó, Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam xây dựng một viện nghiên cứu theo mô hình của Viện nghiên cứu công nghệ Kist của Hàn Quốc. Đây chính là bước đi ban đầu của chúng ta tiệm cận với thông lệ của Quốc tế. Thành công của Viện Kist là một minh chứng rất rõ của việc trọng dụng nhà khoa học. Viện Kist, chỉ sau 40 năm đã đi từ con số 0 trở thành 1 trong 10 viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, nổi tiếng về việc nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Theo đánh giá, 30% giá trị gia tăng của công nghiệp Hàn Quốc trong giai đoạn vừa qua xuất phát từ những nghiên cứu tại viện Kist.

Chúng tôi muốn áp dụng 3 bài học kinh nghiệm của họ, đó là, viện này phải được hưởng một cơ chế đặc biệt, có một luật riêng để vượt qua rào cản của những điều luật khác mà một nền kinh tế chưa phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ có thể tạo ra. Viện này cũng phải được một người lãnh đạo có uy tín, có ý chí đỡ đầu. Cuối cùng, phải có một đội ngũ cán bộ khoa học giỏi từ nước ngoài trở về và những người giỏi nhất ở trong nước. Với 3 điều kiện ấy thì Viện Kist thành công.

Chúng tôi cũng mong muốn viện V – Kist của chúng ta cũng sẽ thành công nếu đáp ứng được 3 điều kiện đó. Viện này, trước mắt tôi nghĩ là một ốc đảo, nhưng sau này, tôi hy vọng chúng ta sẽ có nhiều ốc đảo như vậy.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Thanh Uyên (ghi)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang