Tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản xuất khẩu

author 06:21 23/08/2023

(VietQ.vn) - Các sản phẩm nông sản xuất khẩu trong thời gian tới cần có sự kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn, chất lượng, giảm thiểu việc các lô hàng bị trả về, ảnh hưởng không chỉ đến doanh nghiệp trong nước mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu nền nông nghiệp nước ta.

Thời gian gần đây, không ít lô hàng xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bị cảnh báo và trả về do vi phạm các quy định của nước nhập khẩu. Việc một lô hàng bị phía thị trường nhập khẩu trả về không chỉ gây thiệt hại cho chính doanh nghiệp đó, mà còn có thể ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của cả ngành hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Tiêu chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp và kiểm soát chất lượng khắt khe là vấn đề cần ưu tiên hiện nay.

Chỉ trong nửa đầu năm nay, Việt Nam có 31 lô hàng nông sản thực phẩm bị EU cảnh báo, trong đó có tới 60% liên quan đến vi phạm vượt ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

"Một bộ phận nông dân chưa thực hiện 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình thu hoạch sản phẩm, chúng ta phải đảm bảo thời gian cách ly theo khuyến cáo của nhà sản xuất", TS. Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết.

 Kiểm soát tốt chất lượng của sản phẩm nông sản xuất khẩu giúp thị trường trong nước khẳng định tốt thương hiệu Việt

Dù số lượng lô hàng vi phạm không đáng kể, nhưng đã đủ để các thị trường siết chặt kiểm tra. Lô ớt đông lạnh đã sẵn sàng lên đường xuất khẩu, nhưng để vào được Nhật Bản, lô hàng phải vượt qua kiểm tra 5 hoạt chất bảo vệ thực vật; còn với thị trường Hàn Quốc sẽ là 7 loại.

Theo khảo sát của tổ chức Oxfam Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp thừa nhận, không có động lực để tìm hiểu và áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nếu chưa trực tiếp tiếp nhận yêu cầu cụ thể từ khách hàng. Chưa kể, các tiêu chuẩn này liên tục được cập nhật khiến nhiều doanh nghiệp bị động nếu không nắm chắc về thị trường.

"Các nhà sản xuất, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin về yêu cầu của thị trường, dẫn dắt đến các tiêu chuẩn quốc tế được thị trường chấp nhận rộng rãi", bà Hoàng Lê Trang, Quản lý dự án, Tổ chức Oxfam Việt Nam, nhận định.

Bên cạnh VietGAP, GlobalGAP, hiện các thị trường xuất khẩu lớn đã đưa ra nhiều tiêu chuẩn chất lượng nâng cao hơn, bao gồm yếu tố bền vững, giảm thiểu rủi ro, truy xuất nguồn gốc... Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đầu ra của mặt hàng nông sản, các sản phẩm hữu cơ trong ngành nông nghiệp cần đảm bảo các tiêu chuẩn của Việt Nam, bao gồm: TCVN 11041-1:2017 về yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; TCVN 11041-2:2017 về trồng trọt hữu cơ. Cũng có thể kể đến những tiêu chuẩn khác chứng nhận độ an toàn về sản phẩm như: Tiêu chuẩn HACCP, xác định được mối nguy như: Các mối nguy từ sinh học, mối nguy hóa học, vật lý, hay các điều kiện bảo quản, vận chuyển, sử dụng. Tiêu chuẩn BRC, tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, do Hiệp hội bán lẻ Anh xây dựng và ban hành....

Có thể thấy, các TCVN công bố cũng có sự hài hòa cao với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, góp phần giúp các doanh nghiệp Việt Nam thuận lợi hơn trong việc tránh và vượt qua được các hàng rào kỹ thuật trong thương mại một cách bài bản, tạo cơ hội cho việc hợp tác và thúc đẩy năng lượng xanh trong sản xuất nông nghiệp.

Các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đặt ra không phải để làm khó nông dân, mà đây là yêu cầu thực tế từ đối tác nhập khẩu, vừa để bảo vệ người tiêu dùng, vừa thúc đẩy chất lượng nông sản Việt ngày càng hoàn thiện hơn khi tiến ra thế giới.

 Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang