Lật tẩy chiêu kinh doanh keo dán giả

author 06:20 28/10/2023

(VietQ.vn) - Nhiều đường dây sản xuất, kinh doanh keo dán giả đã bị xử lý, thu giữ hàng nghìn sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện để tuồn ra thị trường.

Hầu hết các hãng có uy tín, thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái. Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng kém chất lượng gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Tác động tiêu cực đầu tiên là làm mất uy tín của doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm.

Theo thông tin từ Phòng CSĐT tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an TP.Hà Nội, ngày 26/10 vừa qua đơn vị đã khởi tố vụ án, tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng gồm: Vũ Văn Vương (SN 1993; ở xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương); Đỗ Thị Kim Tuyến (SN 1989); Lê Thị Hằng (SN 2000) và Đoàn Văn Thắng (SN 1993), đều ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định về tội buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192, Bộ luật Hình sự.

 Một số đối tượng trong vụ án và hàng nghìn chai keo dán giả nhãn hiệu Apollo bị thu giữ.

Trước đó, ngày 8/9, tổ công tác Đội 6, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, phối hợp với Công an huyện Thường Tín, Phòng 3, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an làm nhiệm vụ tại khu vực gần khu biệt thự liền kề ở thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín kiểm tra, phát hiện một xe tải chở 2.000 chai keo silicone các loại mang nhãn hiệu Apollo đang trên đường mang đi tiêu thụ. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của số hàng trên.

Ngay sau đó, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với 4 địa điểm liên quan ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương và phát hiện, thu giữ thêm 4.355 chai keo silicone nhãn hiệu Apollo không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tổng số 6.355 sản phẩm keo silicone nhãn hiệu Apollo trên được xác định là hàng giả. Căn cứ bảng giá do Công ty cổ phần Quốc Huy Anh cung cấp, xác định trị giá 6.355 sản phẩm đã bị làm giả tương đương giá trị hàng thật là hơn 384 triệu đồng.

Lãnh đạo Phòng Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu cho biết, các đối tượng thường xuyên đăng quảng cáo, chào bán hàng hóa các loại trong đó có sản phẩm keo dán công nghiệp nhãn hiệu Apollo giả qua mạng xã hội trên các hội nhóm facebook, zalo cá nhân. Khi có khách hàng mua, chúng sử dụng hình thức giao hàng thông qua công ty chuyển phát nhanh, bưu điện, không thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, chỉ sử dụng thanh toán tiền mặt (ship COD) để đối phó với việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Cũng trong năm 2023, Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP Hà Nội đã triệt phá đường dây sản xuất keo dán công nghiệp giả quy mô lớn. Đối tượng Lương Biên Cương (SN 1984, trú tại Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) là giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Lương Gia Phát đã đặt mua keo dán không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc, đặt mua vỏ tuýp đựng keo, tự đặt in tem nhãn giả. Sau đó đối tượng này thuê nhân viên dán tem nhãn giả hoàn thiện sản phẩm và giao bán cho những người có nhu cầu sử dụng trên mạng internet, Shoppe, Lazada.

 Phòng Cảnh sát kinh tế kiểm tra kho hàng của Lương Biên Cương.

Cơ quan CSĐT đã thu giữ của các đối tượng 1.083 sản phẩm hóa chất keo giả nhãn hiệu Ramset Epcon G5, trị giá so với hàng thật là 747.868.000 đồng cùng nhiều sản phẩm nhãn hiệu khác, sản phẩm chưa hoàn thiện, nguyên liệu, công cụ, nhiều tem nhãn dùng để sản xuất hàng giả.

Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của hàng giả đe dọa không chỉ người tiêu dùng, mà còn cả hệ thống kinh tế và tính hợp pháp trong thương mại. Cần sự tập trung, hợp tác giữa cơ quan chức năng và cộng đồng để ngăn chặn, xử lý các hoạt động buôn bán hàng giả một cách hiệu quả. Công tác kiểm tra và xử lý hàng giả không chỉ là vấn đề của chính quyền mà còn của toàn xã hội, đặc biệt là trong thời đại số hóa ngày nay.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang