Bí quyết thành danh của ông chủ Trung Nguyên

author 08:07 08/04/2014

(VietQ.vn) - “Nếu bạn có khát vọng và niềm tin vào sự thành công là bạn đã đạt được 50% của thành công, 50% còn lại phụ thuộc vào những gì bạn tích góp được trên đường đời”.

 

 

trungnguyen“Ông vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo nên Trung Nguyên

mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người tiêu dùng trong và ngoài nước

Đó là câu nói đầy bản lĩnh và tự tin của Đặng Lê Nguyên Vũ –Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên trong những ngày đầu phôi thai nên một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng không chỉ Việt Nam mà còn trên thế giới.

Hãy xem những bí quyết thành công của Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp từ chiếc xe đạp cọc cạch cộng niềm tin và ý chí mạnh liệt của tuổi trẻ với quyết tâm xây dựng một thương hiệu cà phê Việt lan tỏa khắp năm châu như thế nào.

 

Nghĩ lớn và dũng cảm theo đuổi con đường mới

Trung Nguyên đã xây dựng một thương hiệu cao cấp trong thị trường đang phát triển.Vào những năm 90, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam mới chỉ 250 USD (số thống kê vào năm 2011 là 1.200 USD), nhưng Trung Nguyên đã chọn chiến lược phát triển thương hiệu cao cấp với mong muốn thu hút thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Để làm được điều này, trước tiên Trung Nguyên cần phải thuyết phục người tiêu dùng nội địa sử dụng sản phẩm cao cấp, cũng như thuyết phục thị trường quốc tế rằng Việt Nam có thể sản xuất những loại cà phê cao cấp và chất lượng không thua kém “các tay chơi lớn”.

Đặng Lê Nguyên Vũ tin rằng, người Việt có thể sản xuất được những loại cà phê sành điệu, chất lượng cao và giá cả hợp lý. Thế là vào những năm 1990, nhãn hiệu Trung Nguyên ra đời với một nhà máy và một chuỗi quán cà phê. Đưa ngành cà phê Việt Nam vượt ra khỏi mặc cảm là cà phê chất lượng thấp, giá rẻ.

Kế hoạch xây dựng thương hiệu cũng đã được chuẩn bị chu đáo. Cạnh tranh trực tiếp với các nhãn hiệu đa quốc gia như Nescafe, và định vị nhãn hiệu như một phần văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Ngày nay, có rất nhiều quán cà phê sành điệu tại thị trường Việt Nam, nhưng ai cũng nhớ hình ảnh người tiên phong này.

 

Chọn đối thủ lớn và cam kết ganh đua

Rất nhiều doanh nhân trẻ khi khởi nghiệp đặt ra những mục tiêu khiêm tốn cho chính mình và doanh nghiệp. Điều đó cũng tốt, vì những mục tiêu khả thi sẽ giúp doanh nghiệp mới bảo toàn vốn và phát triển một cách an toàn.

Điều đặc biệt có thể thấy từ Trung Nguyên là luôn chọn những đối thủ lớn hơn mình rất nhiều để tuyên bố cạnh tranh, như Nescafe, Vinacafe. Và kết quả là thị trường cà phê hòa tan Việt Nam được chia thành thế chân vạc rõ rệt. “Cuộc chiến” cũng đang diễn tiến thú vị và bất phân thắng bại.

 

Khác biệt, ẩn dụ và lòng trung thành

Nếu bạn hỏi “Thương hiệu cà phê nào gắn liền với hai chữ “khác biệt”?”, câu trả lời dễ dàng nhận được là “Trung Nguyên”.

Trung Nguyên đã thành công khi đưa giá trị và văn hóa quốc gia vào sản phẩm, vào thương hiệu, đã thật sự thu hút tầng lớp trung lưu, và thay đổi thị trường cà phê Việt Nam.

Khác với nhiều thương hiệu khác chỉ xoay quanh chiến lược tạo cảm xúc hằng ngày cho người tiêu dùng. Trung Nguyên đưa vào thương hiệu những cảm xúc trách nhiệm xã hội, trách nhiệm quốc gia một cách đậm nét như một lời cam kết và luôn tạo nên tính thời sự cho thị trường.

Những thông tin liên quan Trung Nguyên luôn được người tiêu dùng chú ý và truyền miệng một cách rất nhanh chóng. Xét ở nhiều góc độ khác nhau, điều này cho thấy thương hiệu Trung Nguyên có ý nghĩa với rất nhiều người.

Rất nhiều người khi lập ra công ty thì nghĩ ngay đến lợi nhuận, họ sẽ đạt được điều đó nhưng chỉ sẽ là lợi nhuận ngắn hạn. Hãy tạo ý nghĩa cho công ty bạn, ý nghĩa với chính bạn và với người tiêu dùng. Ý nghĩa ở đây không nói đến tiền, quyền lực hay uy tín. Đó cũng không phải là tạo ra một nơi làm việc tốt đẹp. Mà là tạo ra một mục tiêu, một động lực, một hình ảnh mà chính bản thân mình, cộng sự của mình, cũng như khách hàng của mình cùng có cảm xúc, cùng ủng hộ, cùng xây dựng. Điều đó sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn và chiến thắng. Khi khách hàng và tất cả các bên liên quan khác cùng tập trung xung quanh doanh nghiệp như một “đội thập tự chinh”, bạn có thể đánh bật nhiều đối thủ ra khỏi thị trường, đây là lợi nhuận to lớn và dài hạn.

 

Công thức thành công của các cường quốc

Để hương vị cà phê Việt lan tỏa khắp năm châu, ông chủ của Trung Nguyên đã đúc kết 4 bài học từ các cường quốc:

Thứ nhất: Quyết tâm lập chí, điển hình như trường hợp của Israel. Từ quyết tâm trở thành một dân tộc và một quốc gia hàng đầu, họ đã coi sáng tạo là năng lượng sống còn. Tài nguyên trí não là thứ họ có chứ không phải là tài nguyên thiên nhiên hay vị trí địa lý.

Thứ hai: Lấy kinh tế làm trung tâm của mọi trung tâm. Đây là bài học thành công của Dubai. Nước này mời các kiến trúc sư kinh tế hàng đầu tham gia tái cấu trúc, thu hút những nhà đầu tư hàng đầu để biến thành trung tâm tài chính của thế giới. Bài học trỗi dậy của nước Đức sau Thế chiến thứ 2 trở thành nền kinh tế mạnh nhất của châu Âu.

Thứ ba: Biết cách truyền thông được tầm nhìn và chiến lược quốc gia cho cả trong nước và quốc tế thấu hiểu. Khi truyền thông tốt trong nước sẽ giúp tất cả mọi người cùng hiểu tầm nhìn và chiến lược ấy để đoàn kết, hành động vì mục tiêu chung (đây là bài học thành công của Singapore, Thụy Sĩ). Truyền thông cho quốc tế hiểu thì họ ủng hộ và bảo vệ mình (đây là bài học của Dubai).

Thứ tư: Tổ chức guồng máy hợp lý để thực thi hiệu quả tầm nhìn và chiến lược quốc gia. Đây là bài học của Singapore với các chính sách đào tạo, thu hút nhân tài; bài học của Đức với chính sách kết hợp các thành phần kinh tế…

 

Và sức mạnh “Nguyên lý sáng tạo” của dân tộc Việt Nam

Chúng ta không thể thành công nếu không có nguyên lý sáng tạo. Do vậy, VN phải “giải mã” cho được bài học của các quốc gia đang được coi là thành công. Ở đây chúng tôi muốn gọi đó là “Mật mã vĩ đại”, nghĩa là mật mã gốc để một quốc gia phát triển. Đó là bản mã gốc để kiến tạo sự phát triển thành công và bền vững.

Trước hết, một quốc gia vĩ đại chính là quốc gia làm ra sự thành công đích thực cho các công dân. Không phải điều gì khác, mục tiêu nhân bản phải được đặt vào vị trí trung tâm. Mục tiêu đó phải được đặt lên trên mọi yếu tố cực đoan về kinh tế, chính trị, tôn giáo, sắc tộc…

Thành công của cá nhân phải đồng nhịp với thành công của quốc gia. Hay nói cách khác, một quốc gia thành công phải đến từ tập hợp của những công dân thành đạt. Ngược lại, sự thành đạt và hạnh phúc của mỗi cá nhân phải được nâng đỡ từ sức mạnh của quốc gia đó.

Trong sức mạnh quốc gia thì sức mạnh kinh tế đóng vai trò trung tâm. Nếu không được đặt trong vị trí trung tâm thì sớm hay muộn quốc gia đó sẽ phát triển lệch khỏi quỹ đạo và con đường chân chính của mình.

Để phát triển kinh tế cần phải tạo ra một hệ thống hạ tầng đầy đủ và phù hợp (gồm các loại hạ tầng: Học thuật, pháp lý – thể chế, cơ sở vật chất, con người và kinh tế). Trong tất cả các loại hạ tầng thì “hạ tầng con người” chiếm vai trò trung tâm. Xét cho cùng, quốc gia hay doanh nghiệp nào có ưu thế về con người thì sẽ chiến thắng trong mọi cuộc cạnh tranh.

Phát triển kinh tế cũng cần phải có hệ thống an ninh phù hợp và đủ mạnh để bảo đảm sự ổn định, bền vững. Khi đồng nhất được cá nhân với quốc gia, tức là xây dựng được tinh thần công dân với tinh thần quốc gia thì mới thành công ở mức độ quốc gia hiệu quả.

Nền tảng văn hóa của dân tộc (dân tộc chủ chốt hoặc chỉnh thể thống nhất của đại gia đình các dân tộc của quốc gia đó) chính là cội rễ của một quốc gia. Rễ sâu, gốc vững thì cái cây mới vững mạnh và bền vững. Một dân tộc có nền tảng văn hóa vững mạnh thì dù có trải qua khó khăn tới đâu, dân tộc đó vẫn có thể trỗi dậy mạnh mẽ. Bên cạnh đó phải đặt niềm tin vào thế hệ trẻ có khát khao, hoài bão cho một nước Việt vĩ đại.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Nguyên trở thành một trong những thương hiệu được người Việt ưa thích nhất theo khảo sát B& Company Việt Nam và Nikkei BP Consultancy. Có thể nói rằng, “ông vua cà phê” Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo nên Trung Nguyên mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

 

Thu Trang (th)


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang