Cá thể hóa trong dinh dưỡng – mô hình chăm sóc sức khỏe tương lai

author 17:55 15/11/2019

(VietQ.vn) - Ngày 13/11/2019, Hội thảo khoa học quốc tế về “Tiếp cận cá thể hóa trong phát triển nguồn nhân lực và thực hành dinh dưỡng lâm sàng - tiết chế” đã được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều giáo sư, chuyên gia dinh dưỡng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như GS. Yasuhiro Kido – Giám đốc Hội Dinh dưỡng Nhật Bản, Giáo sư trường Đại học Kanazawa Gakuin, TS. Kenichiro Shide - Phó Trưởng Khoa Trao đổi chất và Dinh dưỡng Lâm sàng, Bệnh viện trường Đại học Kyoto (Nhật Bản), GS. Martha Archuletta – Khoa Dinh dưỡng, tiết chế và Khoa học Thực phẩm, Trường đại học bang Utah (Mỹ), PGS. TS. Nguyễn Đỗ Huy - Giám đốc Trung tâm Đào tạo Dinh dưỡng và Thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia,…

 GS. TS Lê Ngọc Thành – Chủ nhiệm khoa Y dược trường Đại học Quốc Gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.

Được biết hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án phát triển Hệ thống Dinh dưỡng Việt Nam (Vietnam Nutrition system Establishment Project – gọi tắt là VINEP) trong năm 2019, được phối hợp tổ chức bởi Viện Dinh dưỡng Quốc gia – Bộ Y tế, Quỹ Ajinomoto - Tập đoàn Ajinomoto, Công ty Ajinomoto Việt Nam và các trường đại học.

Theo Bộ Y tế (2019), Việt Nam đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép, đó là bệnh lây nhiễm và bệnh không lây nhiễm. Trong đó, bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, bệnh tim mạch, ung thư…chiếm đến 70% gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Phần nhiều các bệnh không lây nhiễm có các yếu tố nguy cơ bắt nguồn từ chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực chưa hợp lý. Vai trò dinh dưỡng dần trở nên quan trọng. Trong đó, việc can thiệp dinh dưỡng theo hướng cá thể hóa được dự đoán trở thành mô hình chăm sóc dinh dưỡng tương lai.

 GS. Yasuhiro Kido – Giám đốc Hội Dinh dưỡng Nhật Bản, Giáo sư trường Đại học Kanazawa Gakuin trình bày tại Hội thảo.

Theo trung tâm nghiên cứu gen và dinh dưỡng, Đại học California, “Cá thể hóa trong dinh dưỡng” là đưa ra các khuyến nghị cho các hành vi thực phẩm phù hợp cho mỗi cá nhân để duy trì tình trạng sức khỏe tối ưu. Theo PGS. TS. Nguyễn Đỗ Huy, dinh dưỡng cá thể hóa là một cách tiếp cận sử dụng thông tin về đặc điểm riêng của cá thể để xây dựng các can thiệp và tư vấn dinh dưỡng có trọng tâm và chuyên biệt, hỗ trợ bệnh nhân đạt được những thay đổi hành vi trong chế độ ăn và chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe một cách bền vững.

Bên cạnh đó, để tăng cường việc triển khai và ứng dụng dinh dưỡng cá thể hóa tại Việt Nam thì yếu tố chính sách và đào tạo là rất quan trọng. Cụ thể, về chính sách, cần ban hành các luật về dinh dưỡng tiết chế, chứng chỉ hành nghề cho cán bộ dinh dưỡng tiết chế và củng cố hoạt động của các hội nghề nghiệp về dinh dưỡng và tiết chế. Liên quan đến khía cạnh này, qua hội thảo, các chuyên gia từ Mỹ và Nhật Bản đã chia sẻ về hệ thống quy định liên quan đến dinh dưỡng và tiết chế ở các quốc gia.

 Ông Kei Kuriwaki, Trưởng phòng cao cấp Quỹ Ajinomoto chia sẻ về dự án VINEP và những bước phát triển tiếp theo của Dự án

Về vấn đề đào tạo dinh dưỡng, các chuyên gia cũng đã chia sẻ những mô hình đào tạo tại Hoa Kỳ và Nhật Bản như những mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo. Nếu như hiện nay tại Việt Nam đã triển khai mô hình đào tạo cử nhân dinh dưỡng 4 năm thì tại những nước như Hoa Kỳ, các mô hình đào tạo để trở thành một cán bộ dinh dưỡng khá đa dạng, bao gồm đào tạo cao đẳng, đại học, sau đại học…Đặc biệt, bên cạnh yếu tố lý thuyết thì yếu tố thực hành trong các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe rất được coi trọng để đẩy mạnh kỹ năng và tay nghề. Sinh viên được yêu cầu phải có tối thiểu 1.200 giờ thực hành tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc y tế, các cơ sở cung cấp dịch vụ thực phẩm v.v. Còn tại Nhật Bản, ngành dinh dưỡng đã được bắt đầu từ năm 1925, hiện có hơn 300 trường đại học và cao đẳng đào tạo nghề dinh dưỡng. Nhật Bản hiện có khoảng 1 triệu cán bộ dinh dưỡng và tỷ lệ cán bộ dinh dưỡng là 1:1.000 dân, tỷ lệ cao nhất trên toàn thế giới, góp phần đưa đến những tiến bộ ngoạn mục về dinh dưỡng của Nhật Bản.

Tại Việt Nam, mặc dù cá thể hóa dinh dưỡng là một khái niệm còn tương đối mới mẻ nhưng tại nhiều bệnh viện đầu ngành như bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Chợ Rẫy; dinh dưỡng lâm sàng – dinh dưỡng điều trị đã và đang được áp dụng và đóng góp hiệu quả, tích cực vào việc tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân, giảm thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị. Trong đó dinh dưỡng mang tính cá thể hóa ngày càng được đẩy mạnh và cho thấy nhiều hiệu quả tích cực.

 Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang