Nước sinh hoạt: Người bán, kẻ mua tố nhau "gian lận"

author 14:01 06/08/2012

(VietQ.vn) - Người mua và người bán lúc nào cũng mong túi tiền của mình hao ít nhất và thu được nhiều nhất. Vì thế, bằng cách này hay cách khác, không ít người đã “sáng tạo” ra những gian lận khác nhau để lợi ích nghiêng về mình.

Tinh vi “bán lận”

Một năm ít nhất doanh nghiệp sẽ cắt nước từ 5-6 lần. Cá biệt có năm đến cả chục lần. Cụ thể như năm 2011, tại khu vực quận Thanh Xuân, Hoàng Mai – Hà Nội, doanh nghiệp cung cấp nước đã cắt nước không dưới 5 lần. Lý do đưa ra theo doanh nghiệp là đường ống bị vỡ, bảo dưỡng đường ống, nhà máy, nước đầu nguồn về ít nên cắt luôn phiên. Mỗi lần cắt nước như vậy thường từ 1 tuần trở lên và gần như không bao giờ báo trước. Và đương nhiên, các bể chứa của người dân sẽ “sạch trơn”.

Trước tình trạng nói trên, không ít người dân phải đi mua nước đóng bình, đóng chai, mua từ xe bồn chở tới với giá “cắt cổ”. Khi có nước lại, nhà nào cũng bơm đầy các bể chứa… thế nhưng ít người biết rằng, họ càng bơm nước nhiều thì số tiền họ phải trả càng cao lên.

Theo quy định của UBND TP. Hà Nội, giá nước quy định tại một số quận của Hà Nội như: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh Xuân: giá 16 m3 nước đầu tiên trong một tháng là 4.000 đồng/m3; trên 16 m3 - 20 m3 là 4.700 đồng/m3; trên 20 m3- 35 m3 là 5.700 đồng/m3 và trên 35 m3  là 9.400 đồng/ m3.

Nước bị thất thoát nhưng vẫn tính vào giá thành mua nước của người dân. Ảnh: N. N
Nước bị thất thoát nhưng vẫn tính vào giá thành mua nước của người dân. Ảnh: N. N

Chị Đặng Thu An ở Khương Trung - Thanh Xuân - Hà Nội “tố”, mỗi lần cắt nước chị không biết, chỉ đến khi máy bơm chạy quá lâu, lúc đó mới kiểm tra thì “té ngửa”, bể đã khô tom.

“Rất may là mấy lần đó đều có người ở nhà, chứ không thì máy bơm cứ chạy, vừa tốn tiền điện, mà có khi cháy cả máy bơm”, chị An bức xúc nói.

Chị An cũng cho biết, sau mỗi lần mất nước, nước có lại là y như rằng tháng đó nhà chị tiền nước cao chót vót. Chị An kể, bình thường dùng dưới 16m3, giá nhà nước quy định là 4.000đ/m3, thế nhưng sau khi mất nước, các bể chứa bơm đầy tràn, chắc chắn lượng nước dùng sẽ không ổn định, cao gấp đôi, gấp ba lần và đương nhiên, tiền nước sẽ lũy tiến và cao lên theo.

Cùng với cách thức nói trên, liên tục trong thời gian gần đây, doanh nghiệp cung cấp nước sinh hoạt lại “đòi” tăng giá nước và mỗi lần xin và để được tăng giá nước, doanh nghiệp cũng sẽ không dễ dàng gì thực hiện được. Lý do xin tăng rất quen và thường là: để tái đầu tư hạ tầng, quay vòng vốn, đổi mới công nghệ, tạo ra nguồn nước nhiều, rẻ, sạch hơn cho người dân; đảm bảo thu nhập cho nhân viên ngành nước đủ sống…Thế nhưng có một thứ xin tăng mà người dân đồng ý ngay là tăng hoạt động giám sát, giảm lượng nước thất thoát, đảm bảo tài nguyên, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân lại, doanh nghiệp lại không làm được. Thậm chí, lượng nước thất thoát năm sau cao hơn năm trước.

Các chuyên gia cho rằng, điều bất hợp lý ở chỗ, phần lớn tỷ lệ thất thoát được tính vào giá thành để buộc người tiêu dùng phải “gánh”. Phần còn lại được bù đắp bởi chi phí của doanh nghiệp, song bản chất vẫn là tiền ngân sách, là tài sản chung của xã hội. Vì cho phép được tính phần thất thoát vào giá thành nên ngành cấp nước thường chọn tăng giá nước hơn tập trung nguồn lực để kéo giảm thất thoát. Với mỗi lần xin tăng và được cơ quan chức năng chấp thuận tức là doanh nghiệp đã lấy được tiền của người dân một cách công khai.

Khó chống “mua gian”

Doanh nghiệp “tố” người dân “mua gian” bằng cách “điều khiển” dòng chảy, “giữ số” để đồng hồ nước không chạy hoặc chạy chậm lại và như thế, tiền nước hàng tháng họ trả cho các bên khai thác, kinh doanh sẽ ít đi. Đây là những cách thức không mới trong “ăn trộm” nước, thế nhưng nó vẫn nó vẫn diễn ra hàng ngày và làm thất thoát lớn tiền của nhà nước.

Mới đây, tổ kiểm tra của Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình, Công ty Nước sạch Hà Nội đã tiến hành kiểm tra tại nhà hàng Hội Quán tại Thụy Khuê, Ba Đình (Hà Nội). Kết quả kiểm tra cho thấy, nhà hàng Hội Quán đã đấu nối trực tiếp vào ống dịch vụ bằng đường ống thép tráng kẽm cỡ phi 15 để sử dụng nước sạch, không qua đồng hồ đo nước, không có hợp đồng sử dụng nước. Và trong một thời gian dài, nhà hàng này đã không mất một đồng tiền nào để trả cho việc sử dụng nước sạch.

Đủ kiểu đấu nối, ăn trộm nước sinh hoạt. Ảnh: N. N
Đủ kiểu đấu nối, ăn trộm nước sinh hoạt. Ảnh: N. N

Ông Ngô Xuân Thảo, Trưởng phòng Thanh tra bảo vệ, Công ty Nước sạch Hà Nội cho rằng, thủ đoạn trộm nước sạch rất tinh vi. Trước đây, các trường hợp thường sử dụng cách phá bỏ kẹp chì niêm phong đồng hồ, sau đó tháo lấy cánh quạt cắt gọt nhỏ đi; vỗ nhẹ vào thân đồng hồ làm sai lệch đồng hồ... Những cách này khiến cho nhân viên ngành nước không thể phát hiện ra bởi cánh quạt vẫn quay bình thường nhưng chỉ chậm đi và chỉ số lượng nước lệch đi có lợi cho khách hàng. Hiện nay, nhiều đối tượng còn thọc dây thẳng vào sau đồng hồ hoặc gắn dây phanh vào vòi nước, chỉ đến gần đợt kiểm tra nước thì rút dây ra.

"Chúng tôi đã sử dụng rất nhiều cách như ký tên vào giấy rồi dán lên đồng hồ để tránh việc làm sai lệch đồng hồ, thậm chí quản lý qua hệ thống việc sử dụng nước hàng tháng, nếu thấy sai lệch thì đi kiểm tra... nhưng vẫn chưa thể ngăn được hết việc lấy trộm nước. Muốn xử lý phải mời thanh tra xây dựng để họ lập biên bản, tiến hành xử lý, trình tự rất lâu và các đối tượng có thể đã tẩu tán hết tang vật", ông Thảo cho hay.

Theo kết quả kiểm tra của Công ty Nước sạch Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay đã có gần 20 trường hợp đồng hồ bị đổi vị trí, 16 trường hợp bị vô hiệu hóa đồng hồ, 27 trường hợp đồng hồ bị cắt Tê. Công ty đã thu 250 đồng hồ do khách hàng vi phạm và truy thu được hơn 900 triệu đồng tiền nước.

Ông Trương Tiến Hưng, Giám đốc Xí nghiệp Nước sạch Ba Đình lại cho biết, nhiều trường hợp phát hiện trộm nước sạch nhưng không thể xử lý được vì họ không nhận, hoặc mảnh đất đó là đất lấn chiếm. Chúng tôi mời chính quyền phường ra để cùng vào cuộc thì không nhận được sự ủng hộ. Có những lúc khi đi kiểm tra, cán bộ của Xí nghiệp còn bị người dân đánh.

 Ông Vũ Văn Mấm, Đội trưởng Đội Thanh tra Xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết, theo Nghị định 23 của Thủ tướng Chính phủ, trường hợp tự ý đấu nối đường ống cấp nước; thay đổi đường kính ống cấp nước không đúng quy định; sử dụng nước từ mạng lưới cấp nước, trụ nước phòng cháy, chữa cháy vào mục đích khác không đúng quy định thì bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng. Mức phạt cao nhất là từ 60 - 70 triệu đồng đối với hành vi tự ý đục tuyến ống nước thô hoặc đường ống truyền tải nước.

Hồng Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang