Truyền thông là cầu nối đưa KH&CN đến người dân

author 10:56 23/07/2013

(VietQ.vn) - Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Nghiêm Vũ Khải, đối với hoạt động KH&CN nói riêng và nhiều lĩnh vực khác, vai trò truyền thông rất quan trọng. Cụ thể, với hoạt động KH&CN, truyền thông giữ vai trò chủ đạo trong công tác giới thiệu, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước coi phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu.

Qua các kênh truyền thông, người dân cũng như các cấp quản lý ý thức được vai trò của KH&CN có tính chất quyết định phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của sản phẩm, hàng hóa và của cả nền kinh tế. Không chỉ dừng lại ở mức nhận thức, truyền thông phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia của toàn xã hội, biến thành hành động, đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng KH&CN vào công tác quản lý, sản xuất và đời sống.

Người làm khoa học cần thay đổi tư duy về tuyên truyền KH&CN.
Người làm khoa học cần thay đổi tư duy về tuyên truyền KH&CN.

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải cho rằng, t
ruyền thông KH&CN phải đi trước một bước, giới thiệu những điển hình nghiên cứu, mô hình tốt về ứng dụng KH&CN của Việt Nam cũng như của nước ngoài nhằm góp phần tạo ra một xã hội đổi mới sáng tạo, một thế hệ nhà khoa học, doanh nhân kiểu mới tận tuy nghiên cứu, ứng dụng KH&CN gắn với nhu cầu của đất nước, gắn với hoàn cảnh, môi trường hội nhập hiện nay.

Công tác truyền thông KH&CN cần hướng vào đội ngũ trí thức; tôn vinh, khích lệ tinh thần say mê sáng tạo, cống hiến tài năng và sức lực nhằm chấn hưng nền KH&CN nước nhà; khẳng định lòng tự tôn, danh dự quốc gia.



Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, nhận thức về vai trò của tuyên truyền về KH&CN ở Trung ương và địa phương đều chưa đặt đúng vị trí, chưa được quan tâm đúng mức. Còn nhiều bất cập trong truyền thông KH&CN. Người làm khoa học ít có người viết, nhà khoa học ít viết, nên bài báo trên các phương tiện thông tin KHCN, cả thông tin đại chúng còn nghèo nàn. Các sở KH&CN có tạp chí, website, tờ tin, có Sở ra hàng tháng rất bổ ích, nhưng có Sở đến 3 tháng mới ra một kỳ tạp chí, vì thiếu chuyên trách. Truyền thông KHCN chỉ ở cấp tỉnh, cấp huyện càng khan hiếm, chưa có người chuyên trách KHCN lấy đâu người làm truyền thông.

Truyền thông liên quan đến hoạt động tổng thể về KHCN. Hiện nay có nhiều bất cập trong quyền hạn quản lý ngành, trong phân bổ kinh phí được giao cho Bộ. Việc đầu tư cho các địa phương không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, vì hệ thống pháp luật của ta còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người nghiên cứu KH. Không đủ kinh phí hoạt động, nhưng có khi kinh phí giao cho địa phương, tuy ít nhưng giao chậm nên tiêu không hết. Đây là một nghịch lý. Có khi sau thời gian dài sau khi được tuyển chọn, đề tài, dự án mới có kinh phí thực hiện. Lúc đó giá cả đã khác, nên không khuyến khích người làm đề tài nghiên cứu KH.

Từ bất cập trong nghiên cứu, trong quản lý dẫn đến hạn chế trong truyền thông KHCN. Thực tế nước ta khoa học chưa phải là quốc sách. Nhà nước đầu tư có hạn, tư nhân ít đầu tư, xã hội không quan tâm đến khoa học… thì làm sao khoa học phát triển. Khi KH không phát triển thì thông tin KH cũng không thể đến với đại đa số nhân dân. Khi có đầu tư KHCN vào sản xuất, sản xuất phát triển, đời sống thay đổi thì người ta mới coi trọng khoa học. 

Những hạn chế chung là đội ngũ làm truyền thông chưa được quan tâm xây dựng cả về số lượng và chất lượng chuyên môn; phương tiện tác nghiệp còn hạn chế. Nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, hấp dẫn. Một tồn tại lâu nay cần khắc phục ngay là các phương tiện thông tin đại chúng công lập cả ở cấp Trung ương cũng như địa phương chưa dành thời lượng cần thiết cho công tác truyền thông về chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có chính sách, pháp luật về KH&CN; đầu tư cho truyền thông rất hạn hẹp…

Để đạt hiệu quả cao trong công tác truyền thông, chính các nhà khoa học, doanh nghiệp KH&CN phải trực tiếp tham gia vào công tác này.
Để đạt hiệu quả cao trong công tác truyền thông, chính các nhà khoa học, doanh nghiệp KH&CN phải trực tiếp tham gia vào công tác này.

Bên cạnh đó, thông tin KH&CN không dồi dào, lại phức tạp nên so với những thông tin khác trong đời sống xã hội càng khó hấp dẫn. Hầu hết thông tin KH&CN được biên soạn ở dạng báo cáo khoa học khô khan nên nhìn chung công chúng khó tiếp nhận. Vì vậy, đòi hỏi sự đầy đủ, chuyên sâu và thận trọng trong việc tuyên truyền về KH&CN không hề là một việc dễ dàng.

Điểm yếu này cũng chính là một trong những hạn chế làm cho KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội. Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải khẳng định, nhiệm vụ đổi mới, thúc đẩy truyền thông KHCN được đặt ra rất bức thiết, trong đó, đối tượng hướng đến bao gồm từ cấp lãnh đạo cao nhất của Nhà nước, các nhà quản lý về KH&CN đến các nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân.

Nhiều nhà khoa học thừa nhận, chính đội ngũ các nhà khoa học cũng phải coi trọng công tác truyền thông hơn nữa. Đã đến lúc, người làm khoa học cần thay đổi tư duy về tuyên truyền KH&CN. Thay vì cứ lặng lẽ nghiên cứu, ứng dụng thì họ nên quảng bá sâu rộng hơn những gì mình làm được. 

Không chỉ là vấn đề cá nhân, công tác tuyên truyền KH&CN còn là trách nhiệm của tổ chức KH&CN, mà trong đó, các viện, các trường ĐH đóng vai trò quan trọng. Còn gì lãng phí hơn khi chính các tập thể này có nhiều đề tài nghiên cứu, thành tựu nhưng không đến được với người dân, với doanh nghiệp. 

Để công tác truyền thông KH&CN đạt hiệu quả, theo Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải, ngoài việc tăng cường chỉ đạo, đầu tư kinh phí và những điều kiện khác thì việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông như tổ chức triển lãm, xây dựng bảo tàng KH&CN, tuyên truyền trên các loại báo hình, báo giấy, báo nói… là hết sức cần thiết.

Truyền thông không chỉ là việc của riêng người làm báo. Để đạt hiệu quả cao, chính các nhà khoa học, doanh nghiệp KH&CN phải trực tiếp tham gia vào công tác này. Lãnh đạo địa phương phải là những người đi đầu trong công tác truyền thông KHCN. "Truyền thông khoa học là lĩnh vực quan trọng nhưng Việt Nam lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, do đó cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước để xây dựng một chiến lược truyền thông khoa học công nghệ".

Duy Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang