9 trường Đại học có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng

author 17:18 11/11/2023

(VietQ.vn) - Trong danh sách 9 trường ĐH có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, chỉ 2 trường có trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất năm 2022.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa công bố danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (gọi tắt là V1.000) năm 2022.

Theo danh sách này có 9 trường ĐH đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, có 5 trường công lập gồm: ĐH Bách khoa Hà Nội, Kinh tế TP.HCM, Tôn Đức Thắng, Kinh tế quốc dân và Cần Thơ; 4 trường tư thục gồm: ĐH Văn Lang, FPT, Nguyễn Tất Thành và Công nghệ TP.HCM. Chỉ hai trường là Trường ĐH FPT và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM nằm trong danh sách V1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất năm 2022. Bảy trường còn lại, ngay cả những trường có doanh thu cao nhất nhì như Văn Lang (1.758 tỉ đồng), Kinh tế TP.HCM (1.443 tỉ đồng) cũng không có tên.

So với năm 2021, số lượng trường học lọt vào danh sách V1.000 tăng hai trường. Tuy nhiên, một trường ĐH nằm trong top V1.000 năm trước là Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM lại vắng mặt. Trong khi đó, một số công ty hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có tên trong danh sách V1.000 như Công ty cổ phần quản lý giáo dục và đầu tư EMG (hạng 606), Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục HUTECH (769).

 Dù đạt doanh thu khủng (1.758 tỉ đồng) nhưng ĐH Văn Lang lại không nằm trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất năm 2022

Theo công bố của Bộ GD&ĐT năm 2022, cả nước có 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định của Luật Giáo dục ĐH. Hiện có 32,76% trường ĐH đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% trường tự bảo đảm chi thường xuyên. 91 trường chưa đủ điều kiện tự chủ với các lý do: Chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH chiếm 18,53%; Chưa thành lập hội đồng trường chiếm 7,5%; Còn lại do chưa ban hành đầy đủ văn bản, quy chế theo quy định và chưa đáp ứng các yêu cầu khác.

Có thể thấy rằng, cơ cấu nguồn thu của các trường rất khác nhau. Nguồn thu của trường ĐH công lập chủ yếu đến từ các nguồn chính gồm ngân sách và học phí, hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, dự án tài trợ quốc tế, hợp tác đào tạo quốc tế, hợp tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và đóng góp của cựu sinh viên. Trong khi đó, các trường tư thục, doanh thu chủ yếu đến từ nghiên cứu, chuyển giao.  

Trường ĐH Văn Lang là trường tư thục dẫn đầu doanh thu trong số các trường ĐH với 1.758 tỷ đồng/năm. Nguồn doanh thu này đến từ học phí, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Trường cũng công bố mức trung bình chi phí đào tạo 1 sinh viên là 30 triệu đồng/năm.

Điểm chung về doanh thu của các trường ĐH là đến từ học phí, cho dù các trường doanh thu còn đến từ các nguồn khách nhau. Cụ thể như: Trường ĐH Tôn Đức Thắng, học phí chiếm khoảng 90,3% tổng nguồn thu; ĐH Bách khoa Hà Nội là 79,5% và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM là 66,6%, trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nguồn thu học phí chiếm đến 98,2% doanh thu.

Ngọc Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang