Từ vụ nữ sinh Sài Gòn bị tạt axit: Nguyên tắc sống còn khi bị tạt axit

author 15:18 02/04/2016

(VietQ.vn) - Từ vụ việc nữ sinh Sài Gòn bị tạt axit đang gây xôn xao dư luận, chuyên gia khuyến cáo người dân nên tự trang bị kỹ năng sơ cứu người bị tạt axit.

Những ngày này, thông tin về vụ việc nữ sinh bị tạt axit khi đang điều khiển xe máy trên đường phố Sài Gòn khiến dư luận vô cùng phẫn nộ và hoang mang, nhiều người còn chủ động tìm hiểu cách sơ cứu người bị tạt axit trong sách báo hoặc trên mạng Internet. Trao đổi với báo Infonet, bác sĩ Nguyễn Thống – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội cho biết việc xử trí đúng cách ngay từ đầu giúp nạn nhân bị tạt axit giảm đáng kể tổn thương.

Những nạn nhân bị tạt axit luôn phải chịu những di chứng đau đớn suốt đời

Những nạn nhân bị tạt axit luôn phải chịu những di chứng đau đớn suốt đời. Ảnh Thanh Niên

Tuy nhiên, trên thực tế rất ít người có kiến thức sơ cứu các tai nạn axit. Khi bị bỏng axit nếu không tiến hành sơ cứu trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu thì nồng độ axit tiếp xúc trên da không được pha loãng và rửa trôi bớt, để càng lâu tác hại càng nặng nề, không thể phục hồi.

Nhiều nạn nhân bị bỏng axit lúc nhập viện bị tổn thương rất nặng do không được sơ cứu ban đầu. Thậm chí có những người còn bị nặng hơn do sơ cứu không đúng cách. Ở bất cứ tai nạn cấp cứu nào, việc sơ cứu đúng cách có thể giúp bệnh nhân vượt qua được nguy hiểm. Còn sơ cứu sai có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn cho người bệnh.

Theo bác sĩ Thống hiện nay kỹ năng sơ cứu loại tai nạn bỏng nói chung và bỏng axit trong cộng đồng chưa được chú trọng. Tại khoa Bỏng của bệnh viện, nhiều bệnh nhân bị tạt axit được chuyển ngay vào viện, vô tình khiến các vết bỏng bị lan rộng và sâu thêm. 

Theo bác sĩ Thống, khi bị dính axit vào người, việc quan trọng đầu tiên là phải rửa ngay dưới vòi nước sạch càng nhanh càng tốt trong ít nhất 15-30 phút. Nếu ngâm trong chậu nước phải thay nước, nếu xả dưới vòi nước phải xả liên tục, nhưng phải tránh để axit loang thêm ra các vùng khác. Chú ý, khi sơ cứu không dùng khăn, không chà xát, tìm cách loại bỏ các đồ dùng có dính axit trên người nạn nhân nhưng không cố gỡ bằng được quần áo khỏi cơ thể bởi việc đó khiến họ bị rách da thịt, đau đớn thêm.

Lý giải điều này, bác sĩ Thống cho biết theo tính chất hoá học, axit rất háo nước, việc ngâm ngay vào nước giúp axit giảm nồng độ, vết bỏng bớt nghiêm trọng, giúp bệnh nhân bớt đau và giảm bỏng sâu hơn. Quan niệm dân gian cho rằng dùng nước vôi trong để ngâm bỏng axit nhưng bác sĩ Thống cho biết cách sơ cứu này khó thực hiện và lại không hiệu quả. Khi nạn nhân bị bỏng còn lo đi kiếm nước vôi trong thì mất thời gian thay vì xả nước vào vùng bỏng để giảm nồng độ axit trước.

Từ vụ việc nữ sinh Sài Gòn bị tạt axit, mỗi người nên trang bị cho mình cách sơ cứu người bị tạt axit đúng và nhanh nhất

Từ vụ việc nữ sinh Sài Gòn bị tạt axit, mỗi người nên trang bị cho mình cách sơ cứu người bị tạt axit đúng và nhanh nhất. Ảnh Zing News

Ngay cả cách sử dụng các loại thuốc mỡ, mỡ trăn để trị bỏng cũng không có hiệu quả vì khi đến bệnh viện, các bác sĩ phải rửa lại vết thương và khả năng chống viêm của thuốc mỡ rất thấp. Trong trường quần áo dính lẫn axit, bác sĩ Thống khuyến cáo không nên lột ngay vì rất dễ làm tróc da cả mảng, thay vào đó sau khi xối nước lạnh, nên đeo bao găng rồi dùng kéo cắt bỏ từng mảnh nhỏ. Không cho tay vào chạm vào vùng bỏng vì có thể người sơ cứu cũng bị bỏng axit.

Dưới đây là một số lưu ý cụ thể về cách sơ cứu người bị tạt axit được tổng hợp lại từ báo VnExpress, mời độc giả cùng tham khảo để trang bị cho bản thân những kỹ năng sinh tồn cơ bản nhất. Theo đó, để tránh làm tăng tổn thương khi sơ cứu người bị bỏng axit, cần lưu ý:

- Tuyệt đối không cố gắng cởi phần quần áo dính với vết bỏng nặng. Như thế sẽ gây đau đớn, làm lột phần da thịt theo và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết thương. Nhiều người thường mắc sai lầm này, mặc dù họ có ý tốt nhưng rất nguy hiểm với người bị tạt axit.

- Không ngâm vết thương trong nước. Thương tổn do axit gây ra rất dễ nhiễm trùng. Do đó việc rửa sạch vết thương cần thực hiện dưới vòi nước chảy hoặc xối xuống chứ không được ngâm trực tiếp trong chậu nước.

- Không được dùng đá chườm lên vết thương. Như thế có thể làm tổn thương da và gây bỏng kép do mô đang ở trạng thái nhiệt độ quá nóng lại chuyển sang lạnh đột ngột.

Đã có rất nhiều trường hợp người bị tạt axit bị tổn thương nặng hơn vì không được sơ cứu đúng cách

Đã có rất nhiều trường hợp người bị tạt axit bị tổn thương nặng hơn vì không được sơ cứu đúng cách. Ảnh Infonet

- Không sử dụng khăn lau có sợi. Các sợi có thể dính vào vết bỏng gây đau đớn cho nạn nhân khi lấy ra và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vết thương.

- Không bóp hay làm vỡ các bong bóng nước vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

- Không sử dụng bơ, dầu, kem đánh răng hay xà phòng bôi lên vết bỏng. Các chất này sẽ dính vào vết thương, gây đau đớn cho nạn nhân và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

- Không được dùng trà hoặc xút bôi vào vết bỏng. Nhiều người lầm tưởng các chất này có tác dụng trung hòa axit, thật ra khi bôi vào vết thương sẽ gây ra nhiều phản ứng hóa học khiến phỏng nặng thêm.

- Hóa chất hoặc axit bắn vào mắt rất nguy hiểm vừa gây đau đớn, hoảng loạn cho người bị nạn. Việc đầu tiên cần làm là trấn tĩnh nạn nhân. Dặn họ tuyệt đối không được dụi mắt vì có thể gây tổn thương thêm, tăng nguy cơ mù lòa. Nếu nạn nhân có đeo kính áp tròng thì tháo ra ngay. Không cho bất kỳ thứ gì vào mắt, ngoại trừ nước hoặc nước muối sinh lý để rửa. Nếu có thể, hãy dìu họ đến vòi nước và ghé mắt vào cho vòi nước chảy nhẹ liên tục trong ít nhất là 15 phút, sau đó chuyển đến bệnh viện gần nhất.

- Khi sơ cứu cho trẻ em bị axit dính vào mắt, hãy phun nhẹ nước lên trán ở bên mắt bị dính hóa chất hoặc chỗ sống mũi giữa hai mắt. Lúc đó đặt bé ở tư thế nằm trong bồn tắm hoặc ngửa đầu vào bồn rửa. Nhớ rửa ít nhất 20 phút cho dù bằng cách nào.

Nguyễn Yên (T/h)

 

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang