Cao su Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh

author 19:02 25/09/2021

(VietQ.vn) - Việt Nam hiện đang là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ. Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ có sự gia tăng rõ rệt.

Theo thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ và Cục Xuất Nhập khẩu, trong 3 quý đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 1,09 triệu tấn cao su với các mã HS 4001, 4002, 4003, 4005, trị giá 2,19 tỷ USD, tăng 12% về lượng và tăng 27,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; trong đó Indonesia, Thái Lan, Canada, Hàn Quốc và Bờ Biển Ngà là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su lớn nhất cho Hoa Kỳ.

Trong năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 11 cho Hoa Kỳ với 23,51 nghìn tấn, trị giá 41,87 triệu USD, tăng 61% về lượng và tăng 92,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ chiếm 2,2%, tăng nhẹ so với mức 1,5% của 7 tháng đầu năm 2020.

Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Hoa Kỳ trong 7 tháng năm 2021 với 23,46 nghìn tấn, trị giá 41,65 triệu USD, tăng 60,8% về lượng và tăng 92,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm 4,3%, tăng so với mức 2,9% của 7 tháng đầu năm 2020.

 Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới. Ảnh minh hoạ

Dựa trên kết quả thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 396,22 nghìn tấn cao su tổng hợp (mã HS: 4002), trị giá 823,13 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Mexico và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Hoa Kỳ trong 7 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp cho Hoa Kỳ trong 7 tháng năm 2021 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Nhật Bản trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng; trong khi thị phần của Đức, Hàn Quốc, Mexico, Nga giảm. Cao su tổng hợp của Việt Nam mới chỉ chiếm 0,01% trong tổng lượng cao nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Trước đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ cho biết, 2 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 272,62 nghìn tấn cao su, trị giá 514,32 triệu USD, giảm 6,4% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 10 cho Hoa Kỳ, đạt 8,45 nghìn tấn, trị giá 14,64 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ chiếm 3,1%, tăng nhẹ so với mức 2,49% của 2 tháng đầu năm 2020.

Riêng với mặt hàng cao su tự nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu mặt hàng này của Hoa Kỳ đạt 140,38 nghìn tấn, trị giá 234,87 triệu USD, giảm 7% về lượng, nhưng tăng 4,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Indonesia, Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Việt Nam và Liberia là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Hoa Kỳ trong 2 tháng đầu năm 2021. Trong 2 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Hoa Kỳ, đạt 8,44 nghìn tấn, trị giá 14,6 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020; thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm 6,02%, tăng so với mức 4,8% của 2 tháng đầu năm 2020.

Cùng với cao su, thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng. Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, nhập khẩu hạt điều của nước này trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 24,9 nghìn tấn, trị giá 152,87 triệu USD, tăng 2,0% về lượng, nhưng giảm 6,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Hoa Kỳ đạt 6.142 USD/tấn, giảm 8,0% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 2 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hạt điều của Hoa Kỳ từ Việt Nam đạt 22,2 nghìn tấn, trị giá 135 triệu USD, tăng 7,4% về lượng, nhưng giảm 2,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 84,75% trong 2 tháng đầu năm 2020, lên 89,23% trong 2 tháng đầu năm 2021.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hoa Kỳ đứng thứ 2 (sau Trung Quốc), với kim ngạch 23,4 triệu USD, chiếm 4,2% thị phần, tăng 3,7%; XK cà phê sang Hoa Kỳ tăng 7,2%; XK điều của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm 21,5%; XK thủy sản sang Hoa Kỳ đạt gần 189,15 triệu USD, chiếm 18,9% trong tổng kim ngạch XK thủy sản của cả nước, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng đối với mặt hàng gỗ, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cập nhật số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan cho biết, quý I/2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, đạt trên 2,29 tỷ USD, tăng tới 77,02% so với cùng kỳ năm ngoái; chiếm tới 61% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ của toàn ngành (tỷ lệ này của cùng kỳ năm 2020 đạt 50%). 

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) cho biết, nền kinh tế Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng, mang lại kỳ vọng hồi phục thị trường hàng hóa sau đại dịch Covid-19, trong đó có cao su. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã chính thức thông qua gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Đây được xem là cú hích tâm lý cực lớn đối với các thị trường, là một trong những biện pháp kích thích kinh tế lớn nhất lịch sử của Hoa Kỳ, qua đó cũng thúc đẩy kinh tế toàn cầu. Trong những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu cao su của Hoa Kỳ dự báo sẽ phục hồi.

Thị trường Hoa Kỳ là một thị trường lớn nhiều tiềm năng, có nhu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa của Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trong việc đưa hàng hóa Việt Nam vào Hoa Kỳ. Đó là rào cản thương mại và kỹ thuật như: Tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ nông sản.

Theo các chuyên gia, yêu cầu thị trường sẽ cạnh tranh hơn, chú tâm tới các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Các biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam có thể được phía Hoa Kỳ nhấn mạnh hơn. Các doanh nghiệp kiều bào ở Hoa Kỳ cũng yêu cầu cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mong muốn đối tác cam kết làm ăn uy tín, lâu dài, có nguồn hàng ổn định. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cần xác định phải làm ăn bền vững, lâu dài tại thị trường này. Đồng thời, cần tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kiểm tra tại chỗ các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm,v.v....

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang