Chế tạo thành công máy phân loại rác tự động

author 11:06 27/05/2012

Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu khoa học, lăn lộn “sống chung với rác”, kỹ sư Lại Minh Chức - Trung tâm Nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường xây dựng Hà Nội đã chế tạo thành công thiết bị phân loại rác thải rắn tự động điều khiển từ xa.

Loại máy này vượt trội hơn so với nhiều loại máy phân loại xử lí rác đắt tiền đang được nhiều nước sử dụng hiện nay, giải phóng và giảm thiểu sức lao động cho con người trong môi trường độc hại.

Sống chung với rác!

Tốt nghiệp trường Đại học kiến trúc Hà Nội – Khoa Xây dựng dân dụng công nghiệp, năm 1997, anh Chức về công tác trong Sở Khoa học của tỉnh Hải Phòng. Bằng những cố gắng, nỗ lực nghiên cứu của bản thân, năm 1998, kỹ sư Lại Minh Chức vinh dự được nhận giải thưởng sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) với nghiên cứu thành công vật liệu mới composit có khả năng thay thế gỗ. Năm 2008, anh Chức về làm giám đốc Công ty môi trường xanh Seraphin – Sơn Tây – Hà Nội (Công ty xử lí rác thải).

Anh Lê Minh Chức, người đã chế tạo ra máy phân loại rác tự động.

Thời gian làm việc tại công ty xử lí rác thải Sơn Tây (Hà Nội), anh Chức chứng kiến chỉ riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội hằng ngày có hàng chục tấn rác thải sinh hoạt phải thu gom và đem đi xử lí. Trong khi đó, công đoạn phân loại, xử lí rác thải tốn kém rất nhiều chi phí, hàng trăm con người đầu trần chân đất phải làm việc trong môi trường độc hại, rác thải chôn lấp gây ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước. Mặt khác lâu nay, hầu hết nhiều nhà máy xử lí rác nghiên cứu trong nước và nhập ngoại khi đưa vào sử dụng ở nước ta đều sử dụng người lao động phân loại rác bằng tay.

Xuất phát từ thực tế đó anh Lại Minh Chức nhiều đêm trăn trở “ Phải làm gì để có giải pháp, có một thiết bị tối ưu và hiệu quả nhất xử lí nguồn rác thải dân sinh và công nghiệp, đưa con người thoát khỏi môi trường độc hại”. Suy nghĩ đó làm anh nhiều đêm phải thức trắng “sống chung với rác” và với 175 công nhân làm việc trong nhà máy.

Máy xử lý rác tự động “made in Việt Nam”

Từ ý tưởng đó, chiếc máy của anh kĩ sư Chức ra đời hoạt động có khả năng thay thế, giảm bớt sức lao động trong môi trường độc hại mà lâu nay nhiều nhà máy xử lí rác chưa làm được.

Với công suất 150 – 200 tấn/ngày, chiếc máy xử lý rác “made in Việt Nam” của kỹ sư Lại Minh Chức cho phép xử lí rác tự động, loại bỏ rác thải cá biệt bằng thiết bị điều khiển từ xa; tự động phân phối lượng rác vào máy cắt phù hợp với từng loại rác và công suất máy; có thiết bị băm cắt thông minh cho phép tự cắt xé bao, gói và tự lựa chọn loại rác cần cắt nhỏ theo yêu cầu của công nghệ phân loại và tái chế.

Ngoài ra, máy còn có thể cắt nhỏ các loại rác hữu cơ có nguồn gốc động thực vật theo yêu cầu của công nghệ ủ sinh học cho khả năng sản xuất phân bón vi sinh phục vụ cho nông nghiệp; nghiền nhỏ rác thải vô cơ (gạch đá, thủy tinh) phục vụ cho công nghệ đóng rắn hoặc san lấp, bỏ qua kim loại và các loại phế thải dẻo để phù hợp với công nghệ tách lọc.

Máy xử lí rác tự động cho phép loại bỏ rác thải cá biệt bằng thiết bị điều khiển từ xa...

Đặc biệt, quy trình phân loại xử lý đều được thực hiện trong không gian khép kín nên kiểm soát được sự phân tán khí có mùi độc hại, vi khuẩn gây bệnh ra môi trường, loại bỏ nguy cơ nhiễm bệnh, hoặc gây cháy nổ. Những thiết bị này nhỏ gọn và hiệu quả được tích hợp trong một mô đun có diện tích 20m2. Công nghệ cho phép giảm từ 50 - 70% thể tích chôn lấp so với các công nghệ hiện có, giảm thời gian phân hủy nhờ đó tăng sản lượng và sớm thu hồi được khí gas, thu hồi mùn hữu cơ sinh học nên giảm thời gian quay vòng hố chôn lấp hàng chục năm so với công nghệ hiện nay của các công ty môi trường.

Hiệu quả cao

Sản phẩm trên nằm trong đề tài “tổ hợp thiết bị phân loại rác thải bằng công nghệ tự động điều khiển từ xa” của kỹ sư Lại Minh Chức đã được Hội đồng Sở Khoa học – Công nghệ Hà Nam nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc. Nếu kết quả nghiên cứu trên được triển khai ứng dụng nhân rộng để thực hiện chương trình xử lý triệt để rác thải thì với hơn 20.000 tấn rác thải mỗi ngày ở Việt Nam hiện nay không chỉ giải phóng được hàng chục ngàn lao động ra khỏi môi trường lao động nguy hiểm độc hại, còn giúp giảm nhiều lần chi phí phân loại, chi phí đầu tư trang thiết bị nhập ngoại và góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, tái chế nguồn tài nguyên có giá trị của Việt Nam, nhất là khi ở Việt Nam chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn.

Đức Thắng (Tổng hợp)
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang