Dị ứng, viêm nhiễm toàn thân do dán răng sứ veneer chứa thành phần nhựa thông

author 05:50 07/09/2023

(VietQ.vn) - Một phụ nữ người Anh đã quyết định chi 1.000 bảng Anh để dán răng sứ veneer bằng composite tuy nhiên sau khi làm đã bị tình trạng viêm nhiễm lan rộng khắp cơ thể.

Dán răng sứ veneer (phủ răng sứ veneer hay laminate) là phương pháp thẩm mỹ răng hiện đại, bằng cách gắn một lớp vật liệu mỏng lên bề mặt của răng. Veneer thường được làm từ sứ, composite và nhựa tổng hợp, được gắn vĩnh viễn lên răng. Đây là một phương pháp thẩm mỹ răng được rất nhiều người lựa chọn hiện nay, để khắc phục các vấn đề như sứt mẻ răng, hoặc điều chỉnh hình dáng, màu sắc và kích thước của răng. Tuy nhiên, mới đây, Lily Lindsay, một phụ nữ người Anh ở độ tuổi 20, đã bị viêm da toàn thân do phản ứng dị ứng sau khi dán răng sứ veneer.

Lindsay một phụ nữ người Anh đã quyết định chi 1.000 bảng Anh để dán răng sứ veneer bằng composite, sau khi thấy những người có ảnh hưởng trên TikTok thực hiện. Hai tuần sau khi dán răng cửa, Lindsay bắt đầu cảm thấy đỏ và khó chịu ở mắt, môi và da trở nên khô.

Các nhân viên y tế đánh giá tình trạng của cô là viêm da đơn giản và kê đơn kem steroid để điều trị. Tuy nhiên, các triệu chứng không thuyên giảm mà tiếp tục tệ hơn. Tình trạng viêm nhiễm đã lan rộng khắp cơ thể, khiến việc nhấc cánh tay của cô cũng trở nên khó khăn. Sau đó các triệu chứng bất thường về thị lực như chóng mặt, ù tai, xuất hiện các đốm đen trong tầm nhìn...

Cô gái bị dị ứng toàn thân sau khi dán răng sứ veneer. Ảnh: SK&ĐS

Tại bệnh viện, Lindsay đã phải trải qua các cuộc kiểm tra tổng thể, bao gồm xét nghiệm máu và kết quả cho thấy cô bị viêm không chỉ trên da mà còn bên trong cơ thể. Nhân viên y tế xác định rằng Lindsay bị dị ứng với nhựa thông, một thành phần có trong vật liệu composite dán răng.

Nhựa thông là một loại nhựa tổng hợp được sản xuất từ dầu mỏ hoặc khí đốt. Tên gọi "nhựa thông" có nguồn gốc từ thời kỳ ban đầu của việc sản xuất nhựa tổng hợp khi các nhà khoa học tìm cách tạo ra một loại nhựa giống như nhựa cây thông (được sử dụng để làm keo).

Nhựa thông chủ yếu là một polyme dẻo và có đặc tính linh hoạt, chịu nhiệt độ cao và có khả năng chống ăn mòn. Do tính chất này, nó được sử dụng rộng rãi trong nhiều ứng dụng khác nhau. Nhựa thông có thể được sử dụng làm thành phần của một số loại composite để cải thiện độ kết dính của chất này.

Dị ứng đối với nhựa thông có trong composite dán răng là một tình trạng hiếm gặp, nhưng nó có thể xảy ra ở một số trường hợp. Tiến sĩ Helen Evans-Howells, chuyên gia về dị ứng và giám đốc của Trung tâm Anaphylaxis UK, cho biết: " Hầu hết những người bị dị ứng với nhựa thông đều có các triệu chứng như viêm da hoặc sưng tấy ở một số bộ phận trên cơ thể. Trong trường hợp của Linsay, kết quả là phản ứng dị ứng đã xâm chiếm hệ thống miễn dịch, gây chóng mặt, ù tai và các vấn đề về thị lực. May mắn thay, sau khi loại bỏ lớp dán răng, tình trạng viêm nhiễm của Lindsay đã hoàn toàn biến mất".

Vì vậy, nếu gặp những bất thường về thể chất như viêm da không rõ nguyên nhân hoặc đỏ mắt sau khi dán răng sứ, bạn nên đến bệnh viện xét nghiệm để xem có phải do dị ứng hay không.

Cũng theo các bác sĩ, việc dán răng sứ này còn có nguy cơ gây ra nhiều rủi ro khác. Quá trình dán răng sứ veneer yêu cầu sử dụng ánh sáng UV hoặc ánh sáng đặc biệt để kích hoạt keo dán. Nếu nha sĩ không tuân thủ các biện pháp an toàn và bảo vệ mắt và da bạn có thể bị tác động bởi ánh sáng này. Tuy nhiên, việc này hiếm khi xảy ra nếu quy trình được thực hiện đúng cách.

Nếu không tuân thủ các hướng dẫn về chăm sóc sau khi dán veneer, có thể tạo điều kiện cho việc sứ veneer bị nứt hoặc bong ra. Tuân thủ các chỉ dẫn của nha sĩ về cách chăm sóc và vệ sinh răng đúng cách và đến kiểm tra định kỳ để đảm bảo răng sứ veneer được bảo quản trong tình trạng tốt nhất.

Trong trường hợp dán răng sứ này nhưng không vệ sinh răng miệng đúng cách, vi khuẩn sẽ tấn công ở những vị trí mà veneer không bảo vệ được như mặt sau của răng, dưới chân răng gây nên sâu răng, viêm nha chu.

Nguy hiểm hơn, nếu chất liệu của miếng dán sứ veneer kém chất lượng sẽ gây viêm nhiễm, dị ứng cho nướu và lợi. Bởi, thông thường khi chế tác veneer, các hãng sẽ nghiên cứu, tính toán sao cho vật liệu không gây kích ứng cho môi trường khoang miệng theo thời gian. Còn đối với các loại men sứ trôi nổi sẽ lẫn tạp chất và bị bớt xén thành phần. Những loại này gây ra phản ứng và kích thích nướu lợi viêm nhiễm.

Miếng dán sứ veneer rất mỏng cho nên độ cứng cáp không thể bằng mão răng sứ. Nếu chất lượng sứ không đảm bảo, kém chất lượng, sứ veneer sẽ dễ bị nứt, mẻ hay sứt,... Bên cạnh đó, nếu veneer bị mẻ còn gây tổn thương cho môi, má, lưỡi khi ăn nhai. Với đặc tính không thể khôi phục khi vỡ, mẻ, do đó bạn phải thay mới hoàn toàn dẫn đến tốn kém về thời gian cũng như chi phí.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang