Buộc tiêu hủy và xử phạt Công ty Nam Khải Phú vì hàng thực phẩm quá hạn sử dụng

author 06:21 26/06/2023

(VietQ.vn) - Cục QLTT TP. Hà Nội đã trình Chủ tịch UBND Thành phố xử phạt vi phạm hành chính một doanh nghiệp về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa, với số tiền phạt lên đến 180 triệu đồng.

Theo thông tin từ Cục QLTT Hà Nội, Đội QLTT số 10 phối hợp với Công an huyện Mê Linh khám lô hàng hóa móng giò lợn đông lạnh của Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú, Công ty đã đăng ký thay đổi tên là Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú đã hết hạn sử dụng đang gửi bảo quản, lưu giữ tại Kho Lạnh SK3 thuộc Công ty Cổ phần ống thép Hà Nội, địa chỉ: Khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Quá trình kiểm tra, xác minh làm việc với Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú đã xác định Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú gửi, lưu giữ bảo quản 53.640 kg thùng móng giò lợn đông lạnh chứa đựng trong 2.682 thùng giấy bìa carton, nhãn trên bao bì ghi chữ nước ngoài Olymel, xuất xứ Canada, có ghi hạn sử dụng trên bao bì đến ngày 28/02/2023 và trước ngày 28/02/2023, loại 20 kg/thùng. Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú đã bán 103 thùng có trọng lượng 2060 kg, còn lại 2579 thùng có tổng trọng lượng là 51.580 kg đã bị Đội QLTT số 10 tạm giữ.

Sau quá trình làm việc, xác minh, làm rõ, Đội Quản lý thị trường số 10 xác định Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú có hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa là thực phẩm quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa.

Số hàng hóa là móng giò đông lạnh quá hạn sử dụng 

Đội QLTT số 10 đã báo cáo Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội trình Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Nam Khải Phú về hành vi kinh doanh hàng hóa là thực phẩm quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa, với số tiền phạt: 180.000.000 đồng và buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Liên quan tới nhãn hàng hóa, theo quy định mới về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa, ngày 09 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2022. Một số quy định mới cần chú ý liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trườngnhư sau:

Tại khoản 5, điều 1 sửa đổi, bổ sung (điều 10 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) Nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa: Nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này;

Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và quy định pháp luật liên quan.

Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung theo quy định tại điểm này.

Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì phải ghi những nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này trên nhãn hàng hóa, những nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều này được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa. Trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định này; Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.

Trường hợp trên nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa; Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc tiếng nước ngoài theo quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định tại khoản 1 Điều này trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.

Nhãn của hàng hóa xuất khẩu thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật của nước nhập khẩu. Trường hợp thể hiện xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa xuất khẩu, nội dung ghi xuất xứ hàng hóa tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này. Nội dung nhãn hàng hóa xuất khẩu tuân thủ quy định tại khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang