Kính ô tô bị kẹt: Nguyên nhân và cách tự khắc phục

author 14:23 30/01/2024

(VietQ.vn) - Trong quá trình sử dụng lâu ngày, kính ô tô bị bẩn, các chi tiết bộ phận của hệ thống cửa xuống cấp, hỏng hóc dẫn tới kẹt kính, gây nhiều bất tiện cho người sử dụng.

Nguyên nhân cửa kính ô tô bị kẹt

Cửa ô tô hoạt động dựa vào hệ thống điều khiển nâng/hạ cánh cửa. Đòn nâng cánh cửa chữ X được nối với đòn điều chỉnh của hệ thống này. Mô tơ điều khiển cửa sổ quay tạo thành chuyển động lên xuống để đóng mở cửa sổ.

 Hệ thống nâng hạ cửa kính ô tô. Ảnh minh họa

Nguyên nhân dẫn tới cửa kính ô tô bị kẹt xuất phát từ nguyên lý hoạt động của hệ thống điều khiển này. Khi mô tơ gặp trục trặc, bánh răng hao mòn, dây cáp hoặc cầu chì bị đứt thì cửa sổ đều có khả năng bị kẹt.

Trong đó, mô tơ điều khiển cửa sổ được thiết kế với ba phần là mô tơ, bộ truyền bánh răng và cảm biến chống kẹt. Mô tơ điện hỏng sẽ không có âm thanh, không có chuyển động khi bấm nút nâng/hạ kính.

Bên cạnh đó, bộ phận bánh răng hoạt động thường xuyên và chịu sức nặng của kính nên dễ hao mòn. Bánh răng gãy ảnh hưởng đến khả năng truyền chuyển động của mô tơ để nâng/hạ kính. Trường hợp dây cáp đứt hoặc kẹt trong trục xoắn sẽ xuất hiện âm thanh nhỏ khi bấm nút. Lúc này, mô tơ quay nhưng cửa kính không chuyển động.

Việc không thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng khiến các khớp chuyển động dính bụi bẩn hoặc cặn dầu khiến chúng không thể hoạt động trơn tru, gây cản trở khiến kính bị kẹt. Gioăng cao su cửa kính lâu ngày không được bảo dưỡng nên bị cứng, khiến cửa kính bị kẹt khi nâng lên, hạ xuống.

Cách khắc phục tình trạng kẹt cửa kính

Để sửa cửa kính ô tô bị kẹt cần kiểm tra và tìm chính xác nguyên nhân. Các bước kiểm tra, sửa chữa cửa kính ô tô như sau:

Bước 1: Kiểm tra cầu chì: ký hiệu P/WINDOW

Thông thường sẽ có hai hộp cầu chì, một cho động cơ và một cho hệ thống điện thân xe. Hộp cầu chì động cơ nằm ở trong khoang máy, dưới nắp capo, gần ắc quy. Hộp cầu chì điện thân xe nằm trong khoang cabin, dưới taplo. Để biết chính xác hộp cầu chì ô tô nằm ở đâu có thể xem trong sổ tay hướng dẫn sử dụng xe hoặc liên hệ hỏi trực tiếp bộ phận kỹ thuật của hãng xe. Mở nắp và dựa vào hồ sơ đồ bố trí để tìm ra cầu chì bị hỏng. 

Xác định vị trí cầu trì, dùng kẹp để thay thể cầu chì mới. Ảnh minh họa

Có thể sử dụng thiết bị kiểm tra mạch điện đèn LED để kiểm tra cầu chì. Nếu không có thiết bị này có thể thay luôn cầu chì dự phòng. Nếu đã kiểm tra thấy cầu chì bình thường hoặc đã thay cầu chì mới mà cửa kính vẫn bị kẹt thì thực hiện bước kiểm tra tiếp theo.

Bước 2: Tháo ốp cửa xe

Cửa xe sau khi tháo ốp. Ảnh minh họa

Ốp cửa xe ô tô thường cố định bằng các ốc ở cạnh cửa, tay nắm cửa. Chỉ cần mở hết các ốc này là có thể mở ốp cửa xe.

Bước 3: Kiểm tra hệ thống dây

Kiểm tra xem hệ thống dây có bị kẹt không? Nếu kẹt sẽ khiến cửa kính bị trật. Ngoài ra kiểm tra xem hệ thống dây còn hoạt động tốt không, có bị nứt, đứt không?

Bước 4: Kiểm tra đệm lót cửa

Kiểm tra xem đệm lót cửa có bị lệch khiến cửa kính xe bị kẹt không. Nếu đệm bị mòn hỏng nên thay đệm mới.

Bước 5: Kiểm tra tình trạng hoạt động hệ thống điện của kính

Kiểm tra hoạt động của mô tơ điện, cầu chì, công tắc, dây dẫn của hệ thống điện cửa kính. Trong trường hợp mô tơ điện hoạt động chập chờn, không hiệu quả, hoặc cầu bị bị đứt, nối lại cầu chì nếu có thể hoặc tiến hành thay mới cầu chì hoặc mô tơ điện.

Bước 6: Vệ sinh kính

Để giúp kính hoạt động trơn chu không bị kẹt, người dùng nên thường xuyên vệ sinh kính tránh để bụi bẩn lâu ngày tồn đòng ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của kính.

Bước 7: Lắp mọi thứ về vị trí cũ

Sau khi kiểm tra tìm được nguyên nhân và xử lý thì tiến hành lắp mọi thứ về vị trí ban đầu.

Các bước khắc phục tình trạng cửa kính ô tô bị kẹt cần thực hiện dựa trên khuyến cáo của nhà sản xuất. Chủ xe chỉ tự thực hiện tại nhà nếu có đầy đủ kiến thức, tốt nhất nên đưa xe đến gara ô tô uy tín để được kiểm tra và sửa chữa, đảm bảo an toàn trong vận hành sau này.

Bên cạnh đó, chủ xe cũng cần thực hiện vệ sinh, bảo dưỡng xe thường xuyên, định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Điều này sẽ giúp phát hiện kịp thời những hỏng hóc, đồng thời tăng độ bền và tuổi thọ của xe.

Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 32:2017/BGTVT Kính an toàn của xe ô tô

QCVN 32:2017/BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Vụ Khoa học và Công nghệ trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 31/2017/TT-BGTVT ngày 22 tháng 9 năm 2017.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu kính an toàn, sản xuất lắp ráp, nhập khẩu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật đối với kính an toàn.

Quy chuẩn QCVN 32:2017/BGTVT yêu cầu chùng về độ an toàn của các loại kính như sau:

- Tất cả các loại kính an toàn phải giảm đến mức tối đa nguy cơ gây thương tích cho người khi kính bị vỡ. Kính phải có đủ độ bền đối với các va chạm xảy ra trong giao thông thông thường, đối với các điều kiện nhiệt độ và khí quyển, các tác dụng hóa học, cháy và mài mòn.

- Kính an toàn phải đủ trong suốt, không gây ra lẫn lộn giữa các màu được sử dụng trong các bảng hiệu giao thông và đèn tín hiệu. Trường hợp là kính chắn gió, các hình ảnh không bị méo mó khi nhìn qua nó; khi bị vỡ, người lái xe vẫn còn khả năng quan sát đường rõ ràng để phanh và dừng xe an toàn.

 Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang