Luật XLVPHC "tạm hoãn" để chờ hướng dẫn?

author 15:49 01/07/2013

Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước. Tuy nhiên, Luật này lại đang rơi vào tình trạng bị “nợ” văn bản hướng dẫn.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên khẳng định việc tiếp tục được áp dụng quy định trong các nghị định (NĐ) hiện hành cho đến khi các NĐ quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC có hiệu lực “sẽ có lợi cho người dân, doanh nghiệp”.

Bộ Tư pháp thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật XLVPHC

 
- Luật XLVPHC được ban hành để khắc phục những tồn tại của việc thi hành Pháp lệnh XLVPHC, so với Pháp lệnh XLVPHC, Luật này có những nội dung mới nào đáng chú ý, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên

 

*. Chắc chắn là so với Pháp lệnh XLVPHC, Luật XLVPHC có rất nhiều điểm mới quan trọng. Có thể kể đến những nội dung đặc biệt mới như quy định chuyển thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ Chủ tịch UBND sang Toà án nhân dân, từ thủ tục hành chính sang thủ tục tư pháp.
 
Không đưa đối tượng là người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh. Quy định rất chặt chẽ điều kiện áp dụng một số biện pháp ngăn chặn liên quan đến nhân thân, quyền và lợi ích người dân, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn, tránh việc lạm dụng của người có thẩm quyền trong quá trình các biện pháp ngăn chặn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
 
Luật XLVPHC có các quy định mới về quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm, tạo cơ chế để người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có cơ hội để tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình hoặc nhờ người đại diện/luật sư trợ giúp.
 
Bổ sung quy định mới bảo đảm hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Luật cũng phân định mức phạt tiền tối thiểu và tối đa trong xử phạt VPHC giữa cá nhân và tổ chức; ghi nhận cơ chế xử phạt đặc thù đối với khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương.
 
Để khắc phục bất cập do tình trạng “bỏ trống” đầu mối thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC đã gây không ít khó khăn trong thực tiễn áp dụng, thi hành và hoàn thiện pháp luật, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thi hành Bộ luật Hình sự, Luật XLVPHC đã giao Chính phủ quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật XLVPHC trong phạm vi cả nước và xác định rõ “Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác này”.  
Pháp lệnh XLVPHC có đến 120 NĐ hướng dẫn thi hành. Với nhiều điểm mới như vậy, Luật này có số NĐ nhiều hơn không, thưa Thứ trưởng?

 

*. Ngược lại, Luật XLVPHC chỉ cần 56 NĐ hướng dẫn thi hành. Trong thời gian qua, công tác triển khai xây dựng dự thảo các NĐ đã được triển khai như một nhiệm vụ cơ bản nhất mà Chính phủ và các Bộ, ngành, nhất là Bộ Tư pháp chú trọng thực hiện. Việc triển khai thi hành Luật XLVPHC được Bộ Tư pháp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp năm 2013.
 
Việc xây dựng các NĐ quan trọng nhất là phải hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các NĐ và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, bảo đảm chất lượng trong xây dựng các NĐ. Nhiệm vụ này đã được giao cho một Tổ công tác liên ngành để nắm bắt tình hình xây dựng, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong quá trình soạn thảo các NĐ này.
 
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 82/QĐ-BTP về việc thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định các dự thảo NĐ xử phạt VPHC trong các lĩnh vực quản lý nhà nước để tư vấn thẩm định tất cả các dự thảo NĐ. Đây là một trong những giải pháp đột phá trong công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật nói chung và các NĐ quy định chi tiết luật, pháp lệnh nói riêng.
 
Với quyết tâm cao của Chính phủ đối với việc nợ đọng các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao đối với việc xây dựng, soạn thảo NĐ của các Bộ trưởng, với cách làm bài bản, nhiêm túc và sáng tạo, cho đến thời điểm này, việc triển thi hành Quyết định số 1473/QĐ-TTg đã có những kết quả rất đáng mừng.
 
Theo Kế hoạch, có 53 NĐ trong tổng số 56 NĐ phải được xây dựng, trình Chính phủ trước tháng 5/2013 (3 NĐ sẽ có hiệu lực vào 1/1/2014, cùng thời điểm có hiệu lực đối với 3 nội dung còn lại của Luật). Tính đến nay, đã có 49 dự thảo NĐ được xây dựng và được Hội đồng tư vấn thẩm định tiến hành thẩm định. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng tư vấn thẩm định, các cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp tục chỉnh lý dự thảo.
 
Đến nay, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định chính thức đối với 40 dự thảo NĐ, trong đó, 12 dự thảo đã được Văn phòng Chính phủ gửi lấy ý kiến Thành viên Chính phủ. Chỉ còn lại 04 NĐ chưa hoàn thành việc soạn thảo để gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, các Bộ đã kịp hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Đây là kết quả chưa từng thấy trong lịch sử xây dựng pháp luật của nước ta.
 
Tháng 9 mới có các NĐ hướng dẫn
 
-  Vì sao các NĐ qui định chi tiết thi hành Luật XLVPHC đã không hoàn thành đúng thời điểm Luật có hiệu lực?
 
*. Chúng tôi nhận định các nguyên nhân là Luật XLVPHC có nội dung phức tạp, nhiều điểm mới so với Pháp lệnh; các hành vi vi phạm lại đa dạng, phức tạp, liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống. Do vậy, để có thời gian xây dựng các NĐ, Chính phủ đề nghị Quốc hội thời điểm có hiệu lực là sau 18 tháng, kể từ thời điểm công bố.
 
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nên thời điểm có hiệu lực của Luật đã được ấn định là sau 1 năm, nên thời gian nghiên cứu soạn thảo các NĐ  lại quá ngắn (chỉ trong vòng 10 tháng, để kịp có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật).
 
Thêm vào đó, tư duy xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao, theo đó, đòi hỏi tính thống nhất, tính đồng bộ, tính minh bạch, tính khả thi, tính hợp lý của hệ thống pháp luật phải được đặc biệt chú trọng. Vì thế, mặc dù các Bộ đã có rất nhiều cố gắng trong công tác soạn thảo, nhưng hầu hết các dự thảo NĐ đều chưa bảo đảm chất lượng và vì vậy cần hoàn thiên thêm theo đề nghị của Hội đồng tư vấn thẩm định, trước khi thẩm định chính thức.
 
Khó khăn lớn trong việc phân định phạm vi điều chỉnh và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc xử lý các vấn đề chồng lấn giữa các NĐ quy định xử phạt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước;
 
Nội dung của nhiều NĐ rất phức tạp, phạm vi ảnh hưởng rộng, trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp nên việc soạn thảo phải hết sức thận trọng, phải bảo đảm tuân thủ đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản, nhất là yêu cầu tổ chức lấy ý kiến đối với các đối tượng chịu sự tác động của văn bản… cũng làm chậm tiến độ của việc soạn thảo các NĐ cho đạo Luật quan trọng này.
 
Mặc dù hầu hết các dự thảo NĐ đã được Hội đồng tư vấn thẩm định, tuy nhiên, để bảo chất lượng của văn bản, thì trong tháng 7 này, việc tiếp tục chỉnh sửa, tiếp tục hoàn thiên trước khi trình Chính phủ là vô cùng cần thiết.
 
Dự kiến đến tháng 9/2013 các NĐ quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC mới được ban hành đầy đủ và có hiệu lực thi hành. Như vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 01/7/2013 (thời điểm Luật XLVPHC có hiệu lực) đến khi các NĐ mới có hiệu lực sẽ có khoảng trống pháp lý về xử phạt VPHC, việc áp dụng pháp luật để xử phạt VPHC sẽ gặp khó khăn, vướng mắc.
 
- Vậy từ nay đến khi có các NĐ hướng dẫn Luật XLVPHC thì việc XLVPHC theo Luật này sẽ “tạm hoãn”?
 
*. Về nguyên tắc, kể từ ngày 01/7/2013, các quy định của Luật XLVPHC đều được thực hiện, chỉ riêng các hành vi vi phạm và mức phạt cụ thể tương ứng với hành vi được quy định trong các NĐ hiện hành tiếp tục áp dụng, Bộ Tư pháp đã đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục áp dụng quy định trong các NĐ hiện hành và các biểu mẫu, biên bản kèm theo mà không trái với tinh thần của Luật XLVPHC trong thời gian các NĐ quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC chưa có hiệu lực thi hành.
 
Nhìn chung, mức phạt quy định trong các NĐ hiện hành thấp hơn so với mức phạt được quy định trong các dự thảo NĐ. Điều này sẽ có lợi cho người dân, doanh nghiệp và phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 24/2012/QH13 về việc thi hành Luật XLVPHC, theo đó:
 
“Các quy định về xử phạt, quy định về hoãn, miễn thi hành quyết định xử phạt và các quy định về xử phạt khác có lợi cho cá nhân, tổ chức VPHC được áp dụng đối với hành vi xảy ra trước thời điểm này mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét để giải quyết”. Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này.
 
Cũng xin lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta phải giải quyết vấn đề này mà thực tế, cách làm này đã được áp dụng trong quá trình triển khai thi hành Pháp lệnh XLVPHC năm 2002. Đối với các biểu mẫu kèm theo các NĐ hiện hành, cho đến khi các NĐ mới có hiệu lực, các biểu mẫu này vẫn tiếp tục được sử dụng. Điều này góp phần bảo đảm tính đồng bộ của việc áp dụng các quy định về xử phạt VPHC hiện hành.
 
-  Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Pháp luật Việt Nam

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang