Lý do nợ xấu VN “khai sinh” muộn so với quốc tế?

author 09:54 08/11/2012

(VietQ.vn )- Theo thông lệ quốc tế đánh giá một khoản vay là xấu không đợi tới thời điểm đáo hạn và không trả nợ mà có thể xếp vào nhóm nợ xấu ngay từ lúc nhìn thấy khả năng không trả được nợ bất luận đã tới hạn trả nợ hay chưa, tuy nhiên ở Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại.

VN có cách đánh giá nợ xấu khác với thế giới.

Nếu như ở nước ngoài, một khoản vay mua bò trong vòng 3 năm, nhưng mới chỉ sau 1 năm, bò bị bệnh và chết thì ngay lập tức khoản vay này sẽ được hạch toán vào nợ xấu do không có khả năng trả nợ nhưng theo chế độ kế toán hiện hành của Việt Nam thì khác, sau 3 năm – khi tới hạn trả nợ thì món vay này mới hạch toán vào nợ xấu. Đây là một trong những trường hợp cho thấy cách hạch toán của ngân hàng Việt Nam có vấn đề nghiêm trọng và cũng vì lý do này mà nợ xấu bỗng chốc bị phát hiện với giá trị rất lớn mà không hề có khả năng chống đỡ.

Nguyên nhân chính của việc nợ xấu hiện nay tất nhiên thuộc về các đối tượng đi vay - các doanh nghiệp do kinh doanh yếu kém và mất khả năng trả nợ gây ra nợ xấu nhưng rõ ràng với cách hạch toán và nhìn nhận nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam như hiện nay, quá bị động hay “cố tình” bị động trong hạch toán nợ xấu cũng là nguyên nhân khiến cho khi các khoản nợ xấu bộc lộ thì các ngân hàng “trở tay không kịp”.

Chưa thông minh ngay từ lúc quyết định cho vay

Tại buổi tập huấn về quản trị nợ xấu diễn ra vào 2 ngày 2-3/11 vừa qua do viện nghiên cứu phát triển kinh doanh phối hợp cùng trường đào tạo ngân hàng Thụy Sĩ - Á Châu tổ chức, ông N.C.Raghava, một chuyên gia Quốc tế và tư vấn đào tạo rủi ro tín dụng đã không khỏi bàng hoàng khi phần lớn các học viên tham gia khóa học đều trả lời là không hề sử dụng cách đánh giá dòng tiền trực tiếp khi xem xét cho vay ( các học viên tham dự này đều là các cán bộ đến từ nhiều ngân hàng thương mại lớn như Ngân hàng Bảo Việt, Ngân hàng Vietcombank, Eximbank…).

“ Tại sao cho tới giờ các bạn vẫn sử dụng phương pháp gián tiếp thay vì phương pháp trực tiếp để đánh giá dòng tiền? Ngân hàng nhà nước của các bạn không có ý kiến về vấn đề này à? Các bạn phải chuyển sang phương pháp trực tiếp ngay, nếu không các khoản nợ xấu sẽ gia tăng cực kì nhanh chóng” – Ông Raghava lo ngại.

Cụ thể, khi một doanh nghiệp đề nghị vay vốn tại ngân hàng, doanh nghiệp đó phải nộp các báo cáo tài chính cho ngân hàng xem xét. Để có quyết định cho doanh nghiệp vay hay không, một trong những việc quan trọng là ngân hàng phải đánh giá được dòng tiền mặt của doanh nghiệp sinh ra có đủ khả năng để hoàn trả lại khoản vay cho ngân hàng hay không. Và báo cáo đánh giá dòng tiền sẽ thực hiện nhiệm vụ này. Theo quy định kế toán ở Việt Nam cũng như quốc tế, các ngân hàng có thể lựa chọn một trong hai phương pháp trực tiếp hoặc gián tiếp để đánh giá dòng tiền. Phương pháp trực tiếp là phương pháp từ số doanh thu trừ đi một loạt khoản chi phí ra được lợi nhuận của doanh nghiệp còn phương pháp gián tiếp thì lại đi theo con đường ngược lại, lợi nhuận được ước tính trước rồi mới suy ra doanh thu và chi phí. Hiện nay, phần lớn các nước trên thế giới đều sử dụng phương pháp trực tiếp vì phương pháp giúp nhìn thẳng vào các khoản chi phí cũng như dòng tiền vào ra của doanh nghiệp và theo các chuyên gia, để đưa ra được quyết định cho vay sáng suốt và hạn chế rủi ro thì các ngân hàng phải ưu tiên sử dụng phương pháp trực tiếp.

Tuy nhiên hiện nay, dường như Việt Nam đang đi ngược lại hoàn toàn với cách mà các nước trên thế giới đang làm. Các ngân hàng chủ yếu chỉ sử dụng phương pháp đánh giá dòng tiền gián tiếp – cách làm bị coi là đường vòng để nhìn ra các khoản chi phí của doanh nghiệp. Thậm chí, phần lớn các cán bộ tín dụng tại buổi tập huấn đều cho biết không hề biết cách để lập ra được bảng đánh giá dòng tiền theo phương pháp trực tiếp. Và chính vì không có cái nhìn rõ ràng về luồng tiền doanh nghiệp, đương nhiên các ngân hàng cũng khó có thể đưa ra các quyết định cho vay thông mình, và các khoản nợ xấu cũng tiềm ẩn ở đây.

“Lạc quan” trong đánh giá nợ xấu

Câu hỏi được đặt ra là tại sao cách bằng phương pháp trực tiếp với nhiều ưu điểm như vậy nhưng lại không được thực hiện ở các ngân hàng? TS. Lê Xuân Nghĩa, một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực ngân hàng cho biết cách làm trực tiếp nhìn thẳng vào vấn đề nhanh hơn nhưng để lập được theo phương pháp trực tiếp đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian hơn. Cụ thể, nếu làm theo phương pháp gián tiếp, kết thúc kỳ báo cáo ngân hàng có thể đưa ra báo cáo ngay trong khi nếu làm theo phương pháp trực tiếp, yêu cầu phải có hồ sơ, chứng từ mới có thể làm được. Có lẽ, vì lí do này mà phần lớn các ngân hàng cho tới nay vẫn “đi đường vòng” trong cách đánh giá một doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo ông Lê Xuân Nghĩa, một lý do nữa là việc hạch toán nợ xấu của Việt Nam rất khác so với quốc tế cũng là vấn đề đáng lưu ý. Theo thông lệ quốc tế đánh giá một khoản vay là xấu không đợi tới thời điểm đáo hạn và không trả nợ mà có thể xếp vào nhóm nợ xấu ngay từ lúc nhìn thấy khả năng không trả được nợ bất luận đã tới hạn trả nợ hay chưa, tuy nhiên ở Việt Nam lại hoàn toàn ngược lại. Ví dụ món vay mua một con tàu với thời hạn 5 năm, nhưng nếu sau 1 năm, tàu ra khơi đánh cá và bị đắm do gặp bão, thì ngay lập tức, theo chuẩn mực quốc tế khoản vay này sẽ được ghi nhận là nợ xấu trong khi ở Việt Nam, khoản vay chỉ được coi là “xấu” khi kết thúc thời hạn vay 5 năm. Hay như việc một doanh nghiệp có 4 khoản khác nhau tại ngân hàng, nếu một trong bốn khoản vay đó rơi vào tình trạng không thu hồi được thì lập tức 3 khoản vay còn lại cũng được xếp thành nợ xấu – đó là theo quốc tế, còn ở Việt Nam, dù người vay là một nhưng các món vay khác nhau vẫn đánh giá khác nhau và chính vì lẽ đó, nợ xấu của Việt Nam được “khai sinh” muộn hơn so với thông lệ quốc tế và kéo theo đó là trích lập dự phòng không đủ và dẫn tới một loạt rủi ro hệ lụy.

Nợ xấu do nhiều nguyên nhân, nhưng rõ ràng, nếu bản thân các ngân hàng chủ động hơn trong việc cho vay cũng như đánh giá nợ và đặt lợi ích lâu dài lên đầu thay vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt thì chắc chắn con số nợ xấu đã không đáng lo ngại như tình trạng hiện nay.

Ngọc Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang