Sâm Lai Châu trồng ở Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam ngày càng nhiều

author 20:29 21/12/2023

(VietQ.vn) - Sâm Trung Quốc đã và đang nhập lậu rất nhiều vào Việt Nam qua rất nhiều con đường khác nhau nhằm tránh bị lực lượng công an phát hiện.

Hiện nay tại vùng trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu chủ yếu đang ở giai đoạn nhân giống, chưa có sản lượng lớn bán ra thị trường. Trong khi đó, sâm giả mạo sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với giá rẻ, gây lũng đoạn thị trường sâm Việt Nam. 

Báo Thanh Niên dẫn nguồn thông tin từ Công an huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, huyện Phong Thổ là địa điểm trung chuyển của sâm Lai Châu do người Trung Quốc trồng rồi nhập lậu sang Việt Nam. Lý do là huyện Phong Thổ có đường biên giới dài hơn 97 km giáp với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc- nơi có vùng trồng SLC rất lớn) nên hầu hết sâm Lai Châu từ Kim Bình về Việt Nam đều có điểm tập kết ban đầu là huyện Phong Thổ.

Theo một thanh niên dân bản địa tên là T. cho biết, ở H.Kim Bình, tỉnh Vân Nam Trung Quốc có rất nhiều người dân trồng sâm Lai Châu. Thương lái sâm lậu chỉ cần 30 giây đưa sâm Lai Châu ra bờ suối, vất qua hàng rào lưới là có người làm thuê cho đầu nậu sâm ở Việt Nam đón.

Buôn lậu sâm Lai Châu gia tăng tại huyện Phong Thổ. Ảnh: báo Thanh Niên

Thông tin về tình trạng này, Trung tá Trần Quang Hưng- Công an huyện Phong Thổ cho biết, lợi dụng chính sách biên giới, một số đối tượng khi có giấy thông hành sẽ nhập cảnh vào Trung Quốc với "chiêu" đi làm thuê, thăm người thân... nhưng thực chất là qua vùng Kim Bình, tỉnh Vân Nam, nơi trồng rất nhiều sâm Lai Châu và được bán với giá rất rẻ để đưa lậu về Việt Nam tiêu thụ.

Ngoài việc lợi dụng có giấy thông hành nhập cảnh Trung Quốc để đích thân tuồn sâm về Việt Nam, một số đầu nậu sâm còn kết nối trực tiếp với những người trồng sâm ở Trung Quốc để người Trung Quốc chuyển hàng đến hàng rào biên giới rồi thuê người đến nhận hàng. Những "phi vụ" như thế thường thực hiện vào ban đêm. 

Còn một đường đi vòng vèo khác của sâm Lai Châu nhập lậu từ láng giềng bên kia biên giới là qua ngả Lào Cai rồi mới đưa về Lai Châu, "thủ phủ" sâm Lai Châu, để bán khắp nơi. Cũng có một lượng sâm nhập lậu từ Trung Quốc về đến Lào Cai thì đi thẳng tới các tỉnh thành.

Liên quan tới các sản phẩm sâm Ngọc Linh hoặc sâm Lai Châu tự nhiên rao bán trên các trang Facebook, YouTube với giá rẻ Trung tá Trần Quang Hưng khẳng định đó toàn là sâm Trung Quốc. Những củ sâm ghép trồng trên đất Trung Quốc một thời gian đến khi liền sẹo thì các tay buôn sâm lậu Việt Nam mua về vùi lại dưới tán rừng thêm một thời gian, sau đó đào lên chụp hình quay phim và rao trên các trang Facebook, YouTube... rằng đó là sâm Ngọc Linh hoặc sâm Lai Châu tự nhiên nhiều năm tuổi để bán với giá cao ngất ngưởng.

Nói tới tình trạng buôn lậu sâm giả, Thượng tá Phùng Ngọc Trường, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, sâm giả mạo sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu được rao bán trên mạng xã hội với giá rẻ, gây lũng đoạn thị trường sâm Việt Nam. Giá sâm Ngọc Linh chính gốc loại 1 lên đến hơn 300 triệu đồng/kg, sâm Lai Châu cũng có giá trên 120 triệu đồng/kg. Còn trên thị trường trôi nổi, loại sâm mạo danh sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu có mức giá chỉ vài triệu đồng/kg. Nguy hiểm hơn, khi kiểm nghiệm sâm nhập lậu còn phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp nhiều lần cho phép.

Đồng thời, sâm giả mạo còn gây ảnh hưởng tới thương hiệu mà những người trồng sâm ở Việt Nam, đặc biệt là nông dân đã đầu tư nhiều tiền của vào lĩnh vực này, nhiều nông dân đã bày tỏ mối lo ngại có thể dẫn tới phá sản nếu tình trạng sâm nhập lậu không được ngăn chặn kịp thời.

Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11936:2017 về sản phẩm nhân sâm

Tiêu chuẩn này áp dụng cho các sản phẩm nhân sâm được nêu trong Điều 2 để tiêu thụ trực tiếp bao gồm cả mục đích phân phối hoặc đóng gói lại, nếu cần. Tiêu chuẩn này áp dụng cho sản phẩm nhân sâm được sử dụng làm thực phẩm hoặc thành phần của thực phẩm và không áp dụng cho các sản phẩm dùng làm thuốc

Tiêu chuẩn quy định chỉ tiêu chất lượng: Về hương, màu và nhóm ginsenoside thì sản phẩm nhân sâm phải có hương, màu sắc, vị và nhóm ginsenoside2) đặc trưng của loài nhân sâm cụ thể và không chứa tạp chất.

Nhân sâm sấy khô và nhân sâm hấp sấy khô phải đảm bảo độ ẩm không lớn hơn 14,0 % (dạng bột: không lớn hơn 9,0 %). Tro không lớn hơn 6,0 %; Chất chiết bằng n-butanol đã bão hòa nước không nhỏ hơn 20 mg/g 3). Ngoài ra, trong trường hợp sản phẩm chế biến từ P. ginseng C.A. Meyer, cần phát hiện định tính ginsenoside Rf.

Sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này không có các chất phụ gia. Sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này phải tuân thủ giới hạn tối đa cho phép về chất nhiễm bẩn theo TCVN 4832:2015 (CODEX STAN 193-1995, Rev. 2009, Amd. 2015) tiêu chuẩn chung đối với các chất nhiễm bẩn và các độc tố trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.

Sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này phải tuân thủ mức giới hạn tối đa cho phép về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo TCVN 5624 Danh mục giới hạn dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật và giới hạn dư tượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật ngoại lai (gồm hai phần).

Các sản phẩm quy định trong tiêu chuẩn này nên được sơ chế và xử lý theo các quy định tương ứng của TCVN 5603:2008 (CAC/RCP 1-1969, Rev. 4-2003) Quy phạm thực hành về những nguyên tắc chung đối với vệ sinh thực phẩm và các tiêu chuẩn khác có liên quan như quy phạm thực hành, quy phạm thực hành vệ sinh.

Các sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chí vi sinh được thiết lập theo TCVN 9632:2016 (CAC/GL 21-1997) Nguyên tắc thiết lập và áp dụng tiêu chí vi sinh đối với thực phẩm.

Các sản phẩm quy định trong tiêu chuẩn này được ghi nhãn theo TCVN 7087:2013 (CODEX STAN 1-1985, with Amendment 2010) Ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn. Bất kỳ yêu cầu nào về sức khỏe nên áp dụng CAC/GL 23-1997 Guidelines for Use of Nutrition and Health Claims (Hướng dẫn công bố về dinh dưỡng và sức khỏe), nếu cần.

Ngoài ra cần áp dụng các quy định cụ thể sau: Tên của sản phẩm; Dạng sản phẩm khi ghi trên nhãn phải ghi kèm theo hoặc gần sát với tên sản phẩm để tránh gây nhầm lẫn hoặc gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Tất cả các sản phẩm nhân sâm phải được ghi nhãn với tên khoa học hoặc tên thông thường của nhân sâm được sử dụng làm nguyên liệu. Tên thông thường của các loài nhân sâm phải được công bố theo quy định của pháp luật mà không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nước sản xuất sản phẩm và/hoặc nguyên liệu thô phải được ghi rõ để tránh gây hiểu nhầm hoặc lừa dối người tiêu dùng.

Ngoài tên của sản phẩm, dấu hiệu nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ của nhà sản xuất, nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu, cũng như các hướng dẫn bảo quản phải được ghi trên nhãn thì thông tin đối với các bao gói sản phẩm không để bán lẻ cũng phải ghi trên nhãn của bao gói đó hoặc trong các tài liệu kèm theo. Tuy nhiên, dấu hiệu nhận biết lô hãng, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu có thể thay bằng dấu hiệu nhận biết, với điều kiện là dấu hiệu đó có thể dễ dàng nhận biết cùng với các tài liệu kèm theo lô hàng.

Các sản phẩm có thể ghi nhãn một cách rõ ràng để chỉ rằng sản phẩm không dành cho mục đích dùng làm thuốc, bao gồm cả các yêu cầu ghi nhãn khác theo quy định hiện hành.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang