Đào tạo cho sinh viên về năng suất tổng thể góp phần cải thiện hiệu quả sử dụng máy móc/thiết bị

author 06:27 16/12/2023

(VietQ.vn) - Ngày 15/12, trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ cho sinh viên về hoạt động Năng suất và Đổi mới sáng tạo, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức buổi đào tạo thông qua hình thức trực tuyến với chủ đề: “TPM: Áp dụng TPM nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng máy móc/thiết bị” (chuyên đề 10).

Tham dự buổi đào tạo trực tuyến có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL), ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục, cùng hơn 1.000 giảng viên, sinh viên tại 25 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc: Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Trường Đại học Thủy Lợi; Học Viện Tài chính; Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ Đông Á; Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Trường Cao đẳng Việt Xô số 1; Trường Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng; Trường Cao đẳng Công thương miền Trung; Trường Đại học Đông Á; Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế; Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2); Trường Đại học Thủ Dầu một; Trường Đại học Trà Vinh; Tỉnh đoàn Yên Bái; ĐH Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học Bình Dương; Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore; ĐH SPKT Vĩnh Long; Sở KHCN Nam Định; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định; Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp; Trường Đại học Nha Trang; Trường Đại học Khánh Hòa.

Tại buổi đào tạo, ông Trần Hồng Quân – chuyên gia tư vấn năng suất, Viện Năng suất Việt Nam đã chia sẻ về nhận thức duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể TPM.

Theo chuyên gia bảo trì năng suất tổng thể – TPM (Total Productive Maintenance) là một phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới. TPM là một tư duy hay phương pháp quản lý liên kết hai khái niệm Bảo dưỡng (hay còn gọi là duy trì) và Năng suất chất lượng. Phương pháp này đang được áp dụng mạnh mẽ vào công nghiệp sản xuất và công nghiệp dịch vụ.

 
Buổi đào tạo thu hút đông đảo các bạn sinh viên các trường tham gia

Mục đích của TPM là không có sự cố dừng máy, không có phế phẩm, không có lãng phí - hao hụt, nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần doanh nghiệp lợi ích trực tiếp;

Cụ thể, về lợi ích trực tiếp là tăng năng lực sản xuất và hiệu suất nhà máy OEE; Đảm bảo hài lòng của khách hàng; Giảm chi phí toàn nhà máy; Giảm phế phẩm; Giảm hao hụt và chất thải; Giảm lưu kho; Giảm tai nạn lao động; Tăng lợi nhuận; Tuân thủ các tiêu chuẩn kiểm tra đo đạc.

Về lợi ích gián tiếp là cải tiến kỹ năng và kiến thức; Cải thiện môi trường làm việc; Nâng cao sự tự tin và năng lực; Tăng tính sáng tạo và tinh thần làm việc; Xây dựng văn hoá cho công ty; Tăng khả năng cạnh tranh.

Thực hiện TPM giúp doanh nghiệp tối ưu hoá hiệu suất hoạt động, loại bỏ sự cố, sai sót của máy móc thiết bị thông qua việc tự bảo dưỡng máy móc trong quá trình sản xuất hàng ngày. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hợp lý hoá chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Các trụ cột của hoạt động TPM gồm: Bảo dưỡng tự chủ hay tự bảo dưỡng; Cải tiến có trọng điểm; Bảo dưỡng có kế hoạch; Duy trì chất lượng; Đào tạo và huấn luyện; Kiểm soát từ đầu; Hoạt động TPM tại khối văn phòng; An toàn, sức khỏe và môi trường. Bên cạnh các trụ cột trên, để thực hiện tốt TPM không thể thiếu hoạt động 5S. 5S được xem là nền móng của “ngôi nhà TPM”, khởi đầu cho việc phát hiện các vấn đề để tiến hành những hoạt động cải tiến trong TPM.

Theo chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam, hiện nay, việc thực hiện TPM được rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất áp dụng. Trong đó, TPM mang lại cho doanh nghiệp trong việc bảo trì tự quản. Đây là một trong những hoạt động có vai trò vô cùng quan trọng khi thực hiện TPM. Với hoạt động này, người vận hành máy hay kỹ thuật viên sẽ biết sửa, bảo trì máy và xác định được những lỗi hư hỏng của thiết bị máy móc ở mức độ nhất định. Việc tự bảo dưỡng sẽ giúp cho người vận hành máy học hỏi và biết thêm về kết cấu và chức năng của máy, hiểu được mối quan hệ giữa máy móc và chất lượng, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về việc sử dụng máy móc, thiết bị, từ đó phát hiện và chẩn đoán chính xác được những bất thường của máy để tìm ra cách khắc phục nhanh chóng và hiệu quả.

Cùng với đó, bảo trì kế hoạch cũng là một trong những hoạt động của TPM giúp doanh nghiệp phát hiện và sửa chữa những hỏng hóc của máy móc, thiết bị một cách kịp thời, tránh tình trạng máy móc, thiết bị dừng hoạt động, tránh được những lỗi lặp lại. Ngoài ra, bảo trì có kế hoạch còn giúp gia tăng tuổi thọ cho máy móc, thiết bị, tiết kiệm thời gian sửa chữa và chi phí bảo trì.

Trong khuôn khổ buổi đào tạo trực tuyến đã nhận được rất câu hỏi của sinh viên đặt ra liên quan đến bài học. Tất cả những thắc mắc đã được chuyên gia từ phía Tổng cục TCĐLCL giải đáp một cách thỏa đáng đến các bạn sinh viên.

Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang