"Shell rời khỏi Việt Nam là bình thường"?

author 11:09 14/10/2012

(VietQ.vn) - Shell Gas không phải là cái tên đầu tiên rời khỏi thị trường Việt Nam. Trước đó vào năm 2006 là Mobil Unique Gas (Mỹ), sau đó đến Up Gas của Đài Loan, tháng 7/2009 là BP Gas của Anh.

Ngày 3/10 vừa qua, Tập đoàn Shell (Hà Lan) đã ký hợp đồng bán lại toàn bộ cổ phần tại công ty Shell Gas Vietnam (SGV) cho đối tác Siamgas & Petrochemicals (Thái Lan). Như vậy, Shell là doanh nghiệp nước ngoài thứ ba ngừng hoạt động kinh doanh gas tại Việt Nam, sau Mobil Unique Gas (Mỹ) và BP Gas (Anh).

Đại diện của Shell Việt Nam cho biết, họ đã bán cổ phần cho Siam Gas. Thời gian tới, Shell Việt Nam sẽ trình kế hoạch cho cơ quan chức năng để xin phê duyệt chính thức chuyển nhượng quyền sở hữu về mảng kinh doanh gas.

Theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu, trong vòng 36 tháng kể từ ngày được cơ quan chức năng Việt Nam cho phép, Siam Gas sẽ dần thay thế thương hiệu Shell Gas tại Việt Nam. Thời gian từ nay đến lúc đó, mọi việc từ thương hiệu, đại lý, chính sách bán hàng... của Shell tại Việt Nam không thay đổi.

Như vậy, Shell Gas không phải là cái tên đầu tiên rời khỏi thị trường Việt Nam. Trước đó vào năm 2006 là Mobil Unique Gas (Mỹ), sau đó đến Up Gas của Đài Loan, tháng 7/2009 là BP Gas của Anh.

Tập đoàn Shell (Hà Lan) đã ký hợp đồng bán lại toàn bộ cổ phần tại công ty Shell Gas Vietnam (SGV) cho đối tác Siamgas & Petrochemicals (Thái Lan). Ảnh: Tuổi trẻ

Trong thông báo gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan hôm 3/10, Siamgas & Petrochemicals cho biết, giá trị thương vụ thâu tóm Công ty Shell Gas Vietnam là 0,1 triệu USD (tương đương với 3,117 triệu Baht) được thanh toán theo hai đợt. Đợt 1, Siamgas & Petrochemicals thanh toán 0,02 triệu USD cho đối tác vào ngày ký thỏa thuận và 0,08 triệu USD còn lại được thanh toán sau khi kết thúc giao dịch.

Theo bản công bố thông tin của Siamgas & Petrochemicals, tổng tài sản tính đến năm 2011 của Shell Gas Vietnam là 159,31 triệu Baht, từ mức 156,14 triệu Baht năm 2010. Được biết vốn đăng ký của Công ty Shell Gas Vietnam là 5,126 triệu USD.

Tổng doanh thu năm 2011 của Shell Gas Vietnam đạt 679,12 triệu Baht, trong khi đó, chi phí lên tới 727,62 triệu Baht, khiến công ty này lỗ 48,49 triệu Baht. Trước đó, năm 2010, Shell Gas Vietnam lỗ 44,68 triệu Baht và năm 2009 lỗ 44,27 triệu Baht.

Siamgas & Petrochemicals cho rằng giao dịch này sẽ giúp công ty mở rộng kinh doanh và nguồn thu từ thị trường Việt Nam.

Như vậy, với việc bán cổ phần cho Siamgas & Petrochemicals, Shell chính thức dừng hoạt động kinh doanh gas tại Việt Nam.

Về phía Shell Gas Vietnam, lý giải cho nguyên nhân dừng kinh doanh gas, công ty này cho biết: “Việc chuyển nhượng này phù hợp với chiến lược kinh doanh của Shell, tái tập trung thị trường trọng điểm của ngành hạ nguồn vào ít thị trường hơn nhưng quy mô lớn hơn”.

Đề cập chiến lược ở thị trường Việt Nam, Shell cho biết đang đặt mục tiêu trọng tâm vào dầu nhờn và hé lộ ý muốn đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu.

Được biết, Shell trở lại Việt Nam năm 1988. Ngay lúc đó, Shell ký kết hợp đồng phân chia sản phẩm đầu tiên để thăm dò dầu khí ngoài khơi Đà Nẵng và sau đó là ngoài khơi Bà Rịa - Vũng Tàu.

Shell đã đầu tư hơn 150 triệu USD vào hoạt động thăm dò khai thác nơi đây nhưng không tìm thấy mỏ dầu với trữ lượng kinh doanh và do đó, hoạt động này đã chấm dứt vào năm 1996. Sau đó, Shell hoạt động kinh doanh trong nhiều lĩnh vực trên toàn quốc với các ngành dầu nhớt, nhựa đường, hóa chất và khí hóa lỏng.

Hơn một thập niên ở thị trường Việt Nam, hoạt động kinh doanh gas không đem lại hiệu quả cho Shell. Dù Shell Gas là một thương hiệu uy tín ở thị trường gas Việt Nam nhưng có vẻ như chi phí công ty này bỏ ra quá lớn so với lợi nhuận thu về. Shell Gas từng được xem là một thương hiệu mẫu mực trong việc phát triển hệ thống phân phối với các cửa hàng bán lẻ chỉ bán duy nhất một loại bình Shell Gas.

Hệ thống này đã teo tóp dần, rồi Shell Gas chấp nhận cho các cửa hàng bán bình Shell Gas lẫn với các thương hiệu khác. Đó cũng là cách tập đoàn dầu khí lớn nhất nhì thế giới này nhượng bộ, thay đổi nguyên tắc của mình để thích nghi với thị trường Việt Nam.

Nhưng xem ra sự thay đổi này không giúp hoạt động kinh doanh khá lên. Cách đây hai năm, Shell chuyển toàn bộ bộ phận văn phòng kinh doanh ở Hà Nội sáp nhập vào công ty ở TP.HCM, một cách để tiết giảm chi phí quản lý và nay chấp nhận nhường cuộc chơi lại cho công ty khác.

Nếu như các công ty kinh doanh gas Việt Nam có sức cạnh tranh vượt bậc, buộc những thương hiệu quốc tế này thoái lui thì đây là thông tin tích cực, đằng này không phải vậy. Dù không nói thẳng ra nhưng cách giải thích của các công ty này cho thấy hàm ý việc rời bỏ cuộc chơi trên thị trường gas có nguyên do từ tình trạng sang chiết gas lậu không kiểm soát được ở Việt Nam. Cùng với một số công ty kinh doanh gas Việt Nam, những thương hiệu nước ngoài như Elf, Total, BP, Shell... đã chi khá nhiều tiền cho việc bảo vệ thương hiệu nhưng hiệu quả mang lại không nhiều.

Cách đây vài năm, lúc thị trường gas mới hình thành, khi nói đến bình gas màu đỏ người tiêu dùng muốn chỉ Elf Gas, xanh lá cây là BP, xanh da trời nhạt là Shell, xám là Saigon Petro...Nhưng rồi mọi chuyện rối tung lên khi công ty nào cũng thích sơn màu bình gas bán chạy nhất. Màu bình gas không còn là độc quyền của riêng ai. Các công ty lại phải bỏ ra một đống tiền để thuyết phục người tiêu dùng đừng gọi gas theo màu bình nữa mà phải nhớ tên thương hiệu... Nhưng thị trường có đến gần 40% bình gas trôi nổi không quay về chủ sở hữu để làm công tác kiểm định chất lượng. Các công ty kinh doanh gas phải chấp nhận thực trạng không thể kiểm soát này. Điều này đồng nghĩa với việc “phải sống chung” với nạn sang chiết gas trái phép.

Việc này không chỉ làm méo mó môi trường kinh doanh gas Việt Nam mà hệ quả là làm những công ty uy tín nản lòng; và gánh chịu hậu quả không ai khác hơn là người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đánh giá về việc Shell rời khỏi Việt Nam, ông Nguyễn Sĩ Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho rằng là bình thường. Chủ tịch Hiệp hội gas nhấn mạnh, không nên suy luận doanh nghiệp nước ngoài rời Việt Nam vì vấn đề gas lậu và sự cạnh tranh không sòng phẳng của gas nội. "Bản chất kinh doanh là cạnh tranh, công ty nước ngoài rút hay rót vốn đầu tư là dựa vào kế hoạch kinh doanh của họ", ông Thắng nhấn mạnh.

Đ.Thắng (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang