Yêu cầu an toàn của sàn nâng di động theo TCVN 13660:2023

author 12:39 26/02/2024

(VietQ.vn) - Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13660:2023 là Tiêu chuẩn yêu cầu an toàn và các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra đối với tất cả các loại sàn nâng di động.

Sàn nâng di động hay còn gọi là sàn nâng thủy lực. Về cơ bản vẫn đảm nhiệm chức năng của một sàn nâng thông thường tức là khả năng điều chỉnh nâng hạ tự động ở nhiều vị trí khác nhau nhằm liên kết thành một lối di chuyển giữa sàn kho và sàn xe một cách chính xác, thuận tiện cho việc xuất nhập hàng.

Tuy nhiên trong quá trình sử dụng sàn nâng di động tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm do đó khi tính toán các kết cấu, độ ổn định nhằm đảm bảo an toàn khi sử dụng cần tuân theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13660:2023. Đây là Tiêu chuẩn quy định các yêu cầu an toàn và các biện pháp phòng ngừa, và các phương pháp kiểm tra đối với tất cả các loại sàn nâng di động có chức năng nâng người tới các vị trí làm việc. Tiêu chuẩn cũng xác định các mối nguy hiểm đáng kể xuất hiện khi sử dụng sàn nâng di động và mô tả các giải pháp nhằm loại bỏ hoặc giảm thiểu các mối nguy hiểm đó.

Tiêu chuẩn này do trường Đại học Kiến trúc Hà Nội biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Ngoài ra, TCVN 13660:2023 này hoàn toàn tương đương với ISO 16368:2010.

Theo quy định của Tiêu chuẩn này, sàn nâng di động phải được kiểm tra trước khi đưa vào vận hành bất luận sàn nâng di động được sử dụng hàng ngày hoặc không sử dụng thường xuyên. Chỉ cho phép sàn nâng di động vào làm việc khi có đủ các biện pháp đảm bảo an toàn, các thiết bị an toàn đầy đủ và làm việc tốt.

Thiết kế, sử dụng sàn nâng di động cần đảm bảo theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13660:2023 để đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa

Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các loại máy: Các thiết bị nâng người lên các tầng nhà và được lắp đặt cố định; thiết bị chữa cháy và cứu hộ; thiết bị nâng kiểu lồng treo không có dẫn hướng; thiết bị nâng người theo ray dẫn hướng trong các kho hàng; bộ đồ giá nâng hàng lắp sau ô tô tải; sàn công tác leo cột; thiết bị nâng sàn biểu diễn; bàn nâng với chiều cao nâng nhỏ hơn 2m; vận thăng xây dựng chở người và hàng; thiết bị phục vụ mặt đất của ngành hàng không; tháp dùng cho máy khoan; sàn nâng thợ vận hành máy trên các phương tiện xe tải; thiết bị phục vụ công tác kiểm định và bảo dưỡng mặt dưới cầu.

Tiêu chuẩn này không đề cập đến những mối nguy hiểm xuất hiện trong trường hợp: Sử dụng sàn nâng di động trong môi trường có nguy cơ cháy nổ; sử dụng khí nén để đỡ tải cho các kết cấu; sử dụng sàn nâng di động làm việc với hệ thống mạng điện.

Tiêu chuẩn yêu cầu các bộ phận máy của sàn nâng di động được chế tạo từ những vật liệu có các đặc tính không dẫn điện hoặc cách điện, với mục đích đảm bảo an toàn nếu tiếp xúc không mong muốn với lưới điện hở có áp. Trục chịu tải của các khớp bản lề của thiết bị nâng hạ sàn công tác, cho phép cần của cơ cấu nâng quay quanh trục khớp nằm ngang theo phương thẳng đứng.

Yêu cầu đối với nhà sản xuất phải thực hiện tính toán kết cấu kim loại, để xác định cường độ, lực và tải hoặc lực tổ hợp của chúng với mục đích tìm ra những vị trí chịu tác dụng của các ứng xuất bất lợi nhất. Tính toán độ ổn định, để xác định các vị trí khác nhau của sàn nâng di động, các tải và lực tổ hợp, từ đó suy ra điều kiện ổn định tối thiểu.

Yêu cầu đối với độ ổn định thì sàn nâng di động phải được vận hành an toàn ở những tình huống có điều kiện bất lợi nhất. Cụ thể như: Khung di chuyển trên mặt nghiêng lớn nhất, vị trí đặt bất lợi nhất, thực hiện các chức năng bất lợi nhất, đồng thời vừa di chuyển sàn công tác vừa di chuyển toàn bộ sàn nâng di động. Đồng thời cho phép tăng góc nghiêng lớn nhất của khung di chuyển so với danh định là 0,5° để bù đắp cho việc điều chỉnh không chính xác khi vận hành sàn nâng di động trên thực tế.

Mô men lật lớn nhất và mô men giữ ổn định phải được xác định với đường lật bất lợi nhất của sàn nâng di động. Đường lật phải được xác định theo TCVN 10836:2015 (ISO 4305:2014). Đường lật đối với sàn nâng di động có bánh lốp cứng và lốp bọt có vị trí trên mặt bằng di chuyển, cách mép ngoài của vùng tiếp xúc giữa lốp và mặt bằng di chuyển bằng 1/4 bề rộng tiếp xúc với nền. Tất cả các lực tác dụng theo phương cho phép sao cho tạo ra kết quả bất lợi nhất. Phải tổ hợp tất cả các tải và lực tác dụng đồng thời theo cách bất lợi nhất để tính toán mô men lật và mô men ổn định.

Khi tính toán kết cấu phải tuân thủ các định luật và nguyên tắc của cơ học và sức bền vật liệu. Khi sử dụng các công thức đặc biệt phải chỉ ra nguồn trích dẫn, hoặc xây dựng công thức trên cơ sở các nguyên lý cơ bản và như vậy công thức sẽ có cơ sở vững chắc và có thể kiểm chứng.

Mỗi sàn nâng di động phải được trang bị thiết bị hiển thị và khống chế góc nghiêng khung di chuyển. Thiết bị này có bảng hiển thị góc nghiêng của khung di chuyển và kiểm soát góc nghiêng đó có nằm trong giới hạn cho phép của Nhà sản xuất hay không. Thiết bị này phải là thiết bị tự động, phù hợp với yêu cầu, phải được bảo vệ chống hư hỏng và bảo vệ chống việc cài đặt bất thường. Việc hiệu chỉnh thiết bị phải được tiến hành bằng các dụng cụ chuyên dùng và phải được kẹp chì. Thiết bị hiển thị và khống chế góc nghiêng khung di chuyển phải có chức năng khóa thiết bị nâng hạ sàn công tác khi góc nghiêng của khung di chuyển vượt ngoài giới hạn góc nghiêng cho phép của nhà sản xuất.

Yêu cầu về thiết bị khóa chốt thì tất cả mọi thiết bị khóa chốt phải được bảo vệ chống tự tháo ra (chốt đàn hồi) và bảo vệ chống rơi mất (ví dụ, bằng xích). Cần kiểm tra thiết bị khóa chốt bằng phương pháp trực quan. 

Càng điều khiển của sàn nâng di động loại điều khiển bằng người đi bộ và đòn kéo phải được lắp chắc chắn vào khung di chuyển. Càng điều khiển và đòn kéo của sàn nâng di động khi không sử dụng phải được nâng lên và đặt theo phương thẳng đứng (ví dụ như dùng móc treo) và phải trang bị cơ cấu giữ tự động, tránh càng điều khiển rơi bất ngờ. Với khung di chuyển nhiều trục, khoảng cách giữa điểm thấp nhất của càng điều khiển và đòn kéo (khi hạ thấp nhất) tối thiểu bằng 120 mm. Kiểm tra được tiến hành bằng trực quan, thử nghiệm và đo.

Chân chống phải được thiết kế với khả năng có thể điều chỉnh được tối thiểu 10° sao cho có thể điều chỉnh góc nghiêng khi chống trên mặt nền không bằng phẳng, để mặt đế của chân chống có thể tiếp xúc tốt với mặt nền chịu lực. Kiểm tra phải được tiến hành bằng trực quan và đo kích thước.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang