Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng

author 06:37 19/03/2021

(VietQ.vn) - Đây là một trong những mục tiêu của Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cụ thể, mục tiêu tổng quát của Chương trình là xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong tốp 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý.

Phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và trên thế giới.

Mục tiêu cụ thể của Chương trình là đến năm 2025, thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.

Xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên. Xây dựng được 2-5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn, mỗi vùng khai thác hoặc vùng trồng có 1-2 chuỗi liên kết nghiên cứu, nuôi trồng, chế biến sản xuất dược liệu tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO).

Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình gồm: Giải pháp về thể chế, pháp luật; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; hợp tác và hội nhập quốc tế; thông tin và truyền thông.

Trong đó, tiếp tục thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thuốc. Quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước sản xuất các thuốc phát minh còn bản quyền, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm y tế đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Ảnh minh họa 

Đầu tư phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu của Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tăng đầu tư cho chương trình bảo tồn, phát triển nguồn gen cây thuốc, quý, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến cho đánh giá chất lượng nguồn gen và chọn tạo giống cây thuốc.

Huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất thuốc trong nước, sản xuất thuốc nhượng quyền, chuyển giao công nghệ, vắc xin, sinh phẩm y tế và các sản phẩm từ dược liệu. Chú trọng đầu tư, phát triển chương trình hóa dược để sản xuất nguyên liệu làm thuốc phục vụ sản xuất thuốc trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập ngoại.

Tổ chức thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước trong 3 năm; ít nhất 5 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ trong 1 năm về phát triển công nghiệp dược trong nước, tập trung vào các hoạt động: Nghiên cứu phát triển, sản xuất vắc xin đa giá; nghiên cứu ứng dụng công nghệ bào chế hiện đại, nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu chiết xuất dược liệu công nghệ cao, bào chế, sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ một số dược liệu đặc hữu có giá trị kinh tế cao trong nước, phát triển các sản phẩm quốc gia từ dược liệu Việt Nam;...

Liên quan tới vấn đề trên, theo số liệu từ Tổng cục thống kê, chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng 37,97 USD vào năm 2015, khoảng 56 USD năm 2017 và duy trì chi tiêu dành cho dược phẩm ở mức tăng ít nhất 14%/năm cho tới năm 2025. Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ nâng lên mức 50 đôla/người/năm vào năm 2020.

Bên cạnh đó, nhiều Doanh nghiệp sản xuất dược lớn như dược Hậu Giang, dược Bình Định, Imexpharm, Pymepharco… tiến hành đầu tư nâng cấp nhà máy, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2020, hứa hẹn sẽ tạo những bước phát triển mới cho sản phẩm dược trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nhập khẩu. Theo các chuyên gia nhận định ngành dược Việt Nam trong giai đoạn 2019-2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức hai con số, trong đó gần 80% chuyên gia cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục ổn định ở mức từ 10-15%.

Có thể nói, ngành Dược Việt Nam hiện nay đang phát triển với tốc độ nhanh với sự dịch chuyển lớn về số lượng và chất lượng, hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng hai con số trong vòng 5 năm tới, đạt 7,7 tỷ USD tổng giá trị ngành vào 2021 (theo thống kê từ Cục quản lý Dược Việt Nam (DAV)), và đạt 16, 1 tỷ USD năm 2026 (theo IBM), với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11% tính theo đồng Việt Nam.

Trước đó, theo nhận định từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), về cơ bản, thị trường dược phẩm trong năm 2020 được duy trì ổn định, đáp ứng đủ thuốc cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh và nhu cầu điều trị của nhân dân, bảo đảm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc hay tăng giá thuốc đột biến.

Đặc biệt, trong tháng 12/2020, giá trị sản xuất trong nước đạt khoảng 250 triệu USD, tổng 12 tháng đạt 2.840 triệu USD. Trị giá thuốc thành phẩm nhập khẩu 303 triệu USD, tổng 12 tháng đạt 3.312 triệu USD. Trị giá nguyên liệu nhập khẩu 35 triệu USD, tổng 12 tháng đạt 422 triệu USD. Tổng giá trị tiền thuốc sử dụng là 580 triệu USD, tổng 12 tháng đạt 6.000 triệu USD.

Bảo An

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang