Sao phải phức tạp chuyện từ chức?

author 05:32 26/04/2014

(VietQ.vn) - “Khi một người đã từ chức thì không nên đặt ra vấn đề quá phức tạp. Vì từ chức là động thái tự thân mang tính chủ quan”.

GS.TS Nguyễn Hữu Khiển,(ảnh) nguyên Phó giám đốc Học viện Hành chính quốc gia, trao đổi với Chất Lượng Việt Nam về câu chuyện từ chức

Trước đó, Bộ Nội Vụ cho biết bộ này đang xây dựng dự thảo nghị định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, luân chuyển đối với công chức, viên chức.
Theo Dự thảo nghị định, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên được từ chức trong bốn trường hợp, trong đó có trường hợp xin từ chức do nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thưa ông, với nội dung trên nhiều người thắc mắc tại sao không hoàn thành nhiệm vụ, tín nhiệm thấp thì phải là bãi nhiệm hay cách chức, sao lại chỉ từ chức?

Tôi cho rằng: Từ chức ( đây chỉ đề cập trong hệ thống hành  chính nhà nước) là việc một người đang giữ một chức vụ do được bổ nhiệm, vì  một lý do nhất định mà đề nghị được thôi đảm nhiệm chức vụ đó.

Từ chức thuần túy là lý do chủ quan. Tôi ví dụ: Ai đó thấy không còn hứng thú đảm nhiệm công việc ( nhưng không ai nêu như thế cả ) thì có thể từ chức; thấy một việc mang lại kết cục không tốt mà có liên đới tới nhiệm vụ của mình, nhưng không phải do lỗi mình gây ra cũng có thể từ chức; thấy có vấn đề về  sức khỏe hay hoàn cảnh cá nhân nếu tiếp tục đảm nhiệm thì ảnh hưởng đến việc công cũng có thể từ chức. Từ chức vì vậy là quyền cá nhân.

Tôi chưa đọc 4 lý do Nhà báo nêu. Nhưng nếu có lý do “ không còn đủ uy tín” thì đúng là nên từ chức.Tôi ví dụ: tham lam (nhưng lại không phải tham ô), lèm nhèm ( tức là không đàng hoàng), yêu ghét vô lối diễn ra thường xuyên đến mức không còn tín nhiệm thì từ chức là hay chứ. Không có lỗi nhưng mất tín nhiệm thì từ chức là đúng. Nhưng tại sao lại chỉ có như thế?

Khi một người đã từ chức thì không nên đặt ra vấn đề quá phức tạp. Vì từ chức là động thái tự thân mang tính chủ quan. Ví như: một vị phó hay trưởng phòng  chỉ có một con. Người con ấy lại muốn ông vào làm việc ở Miền Nam. Khi đó họ xin từ chức vào nam làm nhân viên, thậm chí là “ hưu non” thì là hoàn cảnh chứ không phải tín nhiệm.

Hay  một người làm việc tốt, nhưng nếu cứ ở vị trí như thế thì đàn em không có chỗ thăng tiến, họ sẵn sang từ chức mở đường cho lớp trẻ. Như thế  thì làm gì có chuyện tín nhiệm hay không ?

Thực tế, liệu có ai thích từ chức khi còn đương vị hay không?

Hoàn toàn có, như tôi nói ở trên: Thường làm việc mà không dính tham nhũng, tham ô, thì nhiều lý do để từ chức lắm.

Liệu Việt Nam có thể xây dựng văn hóa từ chức như các nước khác đã và đang có?

Tôi thấy không nên vì quá ít người từ chức mà nâng việc từ chức thành văn hóa. Nó là bình thường trong công vụ khi chức tước chỉ là chức trách, là cố gắng bản thân, là nhiệm vụ thuần túy.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hoàng Vũ (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang