Chiếc máy fax và tình yêu kỳ lạ của người Nhật

author 11:18 18/09/2012

(VietQ.vn) - Tại công ty đào tạo tài năng của Nhật Bản HoriPro Inc, anh Yutaro Suzuki đang cặm cụi làm đề xuất cho dự án tiếp theo của mình. Điều đặc biệt là anh không sử dụng máy tính để đánh văn bản, mà hoàn toàn viết bằng tay

HoriPro là một trong những công ty đào tạo tài năng lớn nhất và lâu đời nhất của Nhật Bản. Anh Suzuki phụ trách việc công bố công khai hồ sơ của gần 300 ca sĩ và diễn viên trong suốt nhiều năm nay. Toàn bộ những tập hồ sơ này được Suzuki trân trọng viết chi tiết bằng tay.

Trả lời phỏng vấn tờ BBC News, anh Suzuki - chuyên gia quan hệ công chúng, chia sẻ: "Tuy phải mất nhiều thời gian nhưng viết tay giúp tôi có cảm xúc và niềm đam mê trong công việc". Suzuki thấy những bản email thật "lạnh lùng", vì vậy anh thường xuyên sử dụng máy fax để trao đổi các tài liệu viết tay.

Tại một đất nước với niềm tự hào về tốc độ băng thông rộng nhanh nhất thế giới, anh Suzuki nghĩ rằng tình yêu đặc biệt dành cho chiếc máy fax là trường hợp rất hiếm hoi. Tuy nhiên, theo khảo sát của Viện nghiên cứu thông tin Nhật Bản, 87,5% doanh nghiệp Nhật Bản nhấn mạnh máy fax là công cụ kinh doanh quan trọng của họ.

Tình yêu của người Nhật với máy fax như một "cuộc ngoại tình" trong thời đại cả thế giới yêu công nghệ cao

Tình yêu kỳ lạ với chiếc máy fax của Suzuki phản ánh một nét văn hóa đặc biệt của Nhật Bản. Khi máy fax đang dần biến mất trên thế giới thì một quốc gia vượt bậc về công nghệ cao lại tin dùng và trung thành với thứ đồ "công nghệ thấp".

Về cơ bản, chữ viết tay có vị trí vững chắc và lâu bền trong nền văn hóa xứ Phù Tang. Phần lớn hồ sơ xin việc đều được viết tay bởi người tuyển dụng lao động Nhật Bản có thể đánh giá giá tính cách, thái độ làm việc của ứng viên từ nét chữ của họ.

Khi gửi thiệp chúc mừng đến người Nhật, đừng sử dụng những tấm thiệp được viết lời chúc bằng máy tính, điều này sẽ khiến họ buồn lòng. Noriato, chủ cửa hàng bán thiệp, cho biết nếu cô nhận được một tấm thiệp mừng năm mới thiếu những lời chúc viết tay thì chẳng khác gì bạn của cô là robot.

Bởi tầm quan trọng của chữ viết tay, người dân Nhật Bản luôn khao khát và cố gắng rèn luyện nét chữ đẹp. Thư pháp vẫn là một trong những khóa học phổ biến tại Nhật Bản, không chỉ cha mẹ gửi gắm con trẻ mà còn nhiều người trưởng thành tham gia các lớp học kèm để nâng cao kỹ năng viết tay của họ.

Bên cạnh đó, người Nhật bị "ám ảnh" với các bản sao cứng, họ thích giữ những tài liệu hữu hình chứ không chỉ là bản mềm. Bà Setsuko Tsushima - Giám đốc điều hành một công ty bất động sản, cho rằng: "Email dễ bị chúng ta đọc sót, bỏ quên, nhưng với các bản fax, nó là vật hữu hình nên bạn khó mà bỏ sót được". Ngay cả khi bà không có trong phòng, không ngồi máy tính thì các nhân viên của bà vẫn nhận được các bản fax, thư từ khẩn và thông báo cho bà.

Đối với mọi giấy tờ văn bản hành chính bao gồm cả hợp đồng nhà ở, Nhật Bản cũng yêu cầu niêm phong có dấu thay vì chỉ có chữ ký.

Phần lớn người dân Nhật Bản có một con dấu riêng gọi là jitsuin, được đăng ký sở hữu chính thức của từng người thông qua một văn phòng chính phủ.

Ngoài việc các tài liệu gốc phải lưu giữ, bản fax sẽ giúp gửi đi những tài liệu photo được đóng dấu chứng nhận của cá nhân người gửi.

Còn một lý do đặc biệt quan trọng giải thích việc người Nhật vẫn ưa chuộng máy fax trong thời đại email bùng nổ. Hơn 1/5 dân số Nhật Bản trên 65 tuổi. Lớp người cao tuổi vẫn thích sử dụng máy fax bởi họ không thể theo kịp email.

Đó là lý do tại sao siêu thị Aeon quyết định nhận đơn đặt hàng qua fax và điện thoại chứ không chỉ đặt hàng trực tuyến.

"Chúng tôi bắt đầu nhận đơn đặt hàng trực tuyến từ năm 2008, nhưng nhận được rất ít từ khách hàng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, bởi họ thích đặt hàng qua điện thoại hoặc fax", ông Hideo Binnaka - Trưởng phòng bán hàng trực tuyến của siêu thị, cho biết.

Các công ty công nghệ Nhật Bản hết sức quan tâm đến người cao tuổi
Các công ty công nghệ Nhật Bản hết sức quan tâm đến người cao tuổi

"Đối tượng khách hàng này chiếm một phần khá lớn trong chiến lược kinh doanh của chúng tôi nên siêu thị phải mở đặt hàng qua fax và điện thoại. Sau khi nhận được đơn đặt hàng, siêu thị sẽ xác minh đơn hàng qua điện thoại và fax", ông cho biết thêm.

Tờ BBC News chia người tiêu dùng Nhật Bản làm hai loại: một là những người thành thạo công nghệ cao của thế giới, hai là những người vẫn còn trung thành với thiết bị truyền thống.

Theo con số thống kê của chính phủ Nhật Bản, phần lớn các hộ gia đình Nhật, khoảng 58,6%, vẫn sở hữu một máy fax, cũng có chức năng điện thoại. Trong khi đó, tại Mỹ, vào những năm 1990 chỉ còn 3% số hộ gia đình còn sử dụng máy fax theo thống kê của đại học Texa A&M, Mỹ.

Tuy những chiếc máy này không đến mức quá chậm và cũ kỹ, nhưng các nhà sản xuất vẫn tiếp tục nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới bao gồm cả fax trực tuyến. Nó cho phép người dùng fax một tài liệu bằng cách sử dụng internet.

Viện nghiên cứu Fax - Internet của Nhật Bản cho biết, các công ty Nhật hết sức quan tâm và có nhu cầu sử dụng e-fax (fax điện tử) do nhiều ưu thế như giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh và thân thiện với môi trường.

Nhưng đối với Suzuki, không có gì nhiều xúc cảm và tuyệt vời bằng chữ viết tay.

"Tôi còn vẽ cả bản đồ nữa", anh nói. Và vì thế, trong thiếp mời dự tiệc mùa hè của mình, Suzuki vẽ cả bản đồ chỉ dẫn đường đi cho bạn bè, khiến tấm thiếp của anh không bao giờ bị lãng quên.

Thanh Bình

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang