Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế

author 07:00 03/12/2021

(VietQ.vn) - Các gói hỗ trợ tài chính đã kịp thời giảm căng thẳng cân đối luồng tiền, chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, các gói chính sách vẫn triển khai chậm, chưa kịp thời đến tay doanh nghiệp, người lao động và chưa có độ phủ tới các đối tượng khó khăn.

Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế. Ảnh minh họa. 

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp, đặc biệt là từ tháng 4/2021 với tốc độ lây lan rất nhanh và mức độ nguy hiểm chưa từng có trong lịch sử đã tác động mạnh, sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Cùng với người dân, cộng đồng doanh nghiệp cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh.

Sức phá hoại của dịch bệnh trong lần bùng phát thứ 4 đã hiển hiện trên chỉ số tăng trưởng GDP quý III cả nước giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý từ năm 2000 đến nay. GDP 9 tháng cả nước chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.

Trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.

Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, các gói hỗ trợ tài chính đã kịp thời giảm căng thẳng cân đối luồng tiền, chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh. Bộ Tài chính cho biết, tổng giá trị hỗ trợ về thuế năm 2020 khoảng 129 nghìn tỷ đồng; trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 97,5 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, tính chung các giải pháp hỗ trợ bổ sung được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thì tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mà Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 138 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các gói chính sách vẫn triển khai chậm, chưa kịp thời đến tay doanh nghiệp, người lao động và chưa có độ phủ tới các đối tượng khó khăn.

Vì vậy, trên cơ sở phân tích, đánh giá các gói hỗ trợ tại các nước trên thế giới, thực trạng triển khai tại Việt Nam trong thời gian qua, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương, quyết liệt thực hiện các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đã ban hành.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện các gói hỗ trợ đến thời điểm hiện tại và tiến hành tháo gỡ ngay vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chính phủ xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng 40.000 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,62% GDP trong năm 2020), chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.

Ngoài gói hỗ trợ hơn 20.000 tỷ đồng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua; cần tăng khả năng tiếp cận vốn hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước tăng cường cho vay tái cấp vốn, tiếp tục linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực giảm lãi suất, cung ứng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế phục hồi...

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang