Liên tiếp xuất hiện hành vi giả danh QLTT các tỉnh để chiếm đoạt tài sản doanh nghiệp

author 11:49 18/08/2023

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây lực lượng QLTT nhiều tỉnh thành phải phát đi cảnh báo cần cảnh giác với những đối tượng giả danh QLTT gọi điện đến để bắt chuyển khoản trước sẽ được 'miễn' kiểm tra trực tiếp tại cơ sở kinh doanh.

Cụ thể, vào ngày 5/5/2023 Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Gia Lai đã liên tiếp nhận được thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh về việc một đối tượng tên là Phạm Trung Kiên số điện thoại 0962.247672 tự xưng là công chức của lực lượng QLTT tỉnh Gia Lai gọi điện thoại thông báo sẽ đến kiểm tra cơ sở kinh doanh, với thủ đoạn đề nghị các cơ sở chuẩn bị tiền để nộp phạt vi phạm hành chính hoặc nếu các cơ sở kinh doanh chuyển tiền thông qua số tài khoản ngân hàng (4347.888888) thì sẽ được đoàn kiểm tra xem xét không tiến hành kiểm tra.

Ngày 8/5, Cục QLTT tỉnh Kon Tum cho biết phát hiện có người tự xưng Phạm Trung Kiên và Nguyễn Tiến Hiển, là công chức QLTT. Hai người này gọi điện đến các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, thông báo sẽ kiểm tra. Nếu các cơ sở kinh doanh muốn giúp đỡ, thì chuyển tiền bồi dưỡng thông qua tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Qua xác minh, Cục QLTT tỉnh Kon Tum khẳng định, đơn vị không có công chức tên Hiển và Kiên, các số điện thoại nêu trên cũng không phải là số điện thoại của cán bộ đơn vị. Đây là trường hợp giả danh lực lượng QLTT để lừa đảo.

 Cẩn cảnh giác với những đối tượng gọi điện giả danh lực lượng QLTT. Ảnh minh họa

Tại tỉnh Quảng Bình, ngày 13/7 Cục QLTT tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa có thông báo, cảnh báo về hành vi lừa đảo, giả danh lực lượng QLTT trên địa bàn với thủ đoạn thông báo sẽ kiểm tra cơ sở kinh doanh và yêu cầu chuyển tiền đến số tài khoản sẽ được bỏ qua việc kiểm tra hoặc làm thủ tục là đã hoàn thành việc kiểm tra. Nhận thấy đây là dấu hiệu không bình thường nên chủ các cơ sở kinh doanh đã chủ động liên lạc lại để xác minh thông tin nhưng bị từ chối.

Ngày 11/8/2023, Cục QLTT tỉnh Thái Bình cũng phải ra thông báo cảnh báo về trường hợp giả danh công chức QLTT gọi điện lừa đảo, trục lợi. Cụ thể, đối tượng tự xưng là Phúc, sử dụng các số điện thoại 0971727448, 033 5847160 và đối tượng tự xưng là Quý sử dụng số điện thoại 0983780823 thường xuyên gọi điện đến các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giới thiệu là công chức QLTT và thông báo sẽ đến kiểm tra hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh. Song song với việc gọi điện, xưng danh, các đối tượng cung cấp luôn số tài khoản thuộc ngân hàng SHB, số 3278691668, chủ tài khoản Vũ Tâm Phúc và đề nghị các cơ sở kinh doanh chuẩn bị tiền để nộp phạt vi phạm hành chính hoặc nếu các cơ sở kinh doanh chuyển tiền thông qua số tài khoản đã cung cấp thì sẽ được Đoàn Kiểm tra xem xét không tiến hành kiểm tra.

Gần đây nhất vào ngày 16/8/2023, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã cảnh báo tại một số địa phương như Thành phố Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa, huyện Ngọc Lặc…đã xuất hiện việc một số đối tượng giả danh tự xưng là công chức của lực lượng QLTT  tỉnh Thanh Hóa gọi điện thoại thông báo sẽ đến thanh tra, kiểm tra cơ sở kinh doanh, với thủ đoạn đề nghị các cơ sở kinh doanh chuẩn bị tiền để nộp phạt vi phạm hành chính hoặc nếu chuyển tiền thông qua số tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp sẽ được đoàn kiểm tra xem xét không tiến hành kiểm tra.

Theo Tổng cục QLTT, hành vi mạo danh, giả danh, lợi dụng danh nghĩa công chức QLTT thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi cá nhân, tạo nên dư luận xấu, ảnh hưởng đến lực lượng QLTT các tỉnh. Các cơ quan QLTT các tỉnh đã đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh phối hợp tuyên truyền, cảnh báo, thông tin rộng rãi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng toàn thể nhân dân tại địa bàn được biết thông tin trên; đồng thời, khi phát hiện đối tượng có hành vi giả danh như trên, đề nghị báo tin ngay cho lực lượng Quản lý thị trường tại các địa bàn hoặc Cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý theo quy định.

Về vấn đề trên, Bộ Công an cũng cho biết, việc mạo danh các cơ quan nhà nước sẽ khiến cho tin nhắn của kẻ lừa đảo trở nên “nghiêm túc” và mang tính “tin cậy” cao hơn so với các ngân hàng hay doanh nghiệp thương mại. Bởi lẽ, thực tế không phải ai cũng giao dịch hay có tài khoản ở tất cả các ngân hàng, nhưng với cơ quan nhà nước thì người dân nào cũng thấy mình “có liên quan”. Đánh vào tâm lý này, các đối tượng lừa đảo dễ dẫn dụ nạn nhân làm theo các kịch bản mà chúng chuẩn bị sẵn và bị mất tiền.

Trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi của các đối tượng người dân khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo cần lưu lại bằng chứng (tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi) và phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý. Bên cạnh đó, người dân cần cung cấp bằng chứng tới cơ quan công an gần nhất để đề nghị xử lý vi phạm theo pháp luật. Người dân phải đề cao cảnh giác với những thuê bao lạ (không được lưu trong danh bạ điện thoại) khi có cuộc gọi đến, xác minh danh tính, yêu cầu cung cấp thông tin và đặc biệt tuyệt đối không thực hiện bất cứ giao dịch lạ nào nếu như thấy khả nghi. Đặc biệt khi nhận được các tin nhắn với những dấu hiệu nêu trên, người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu của chúng.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang