Nguyên nhân khiến TikTok phải đối mặt với 'làn sóng tẩy chay' toàn cầu

author 14:10 23/03/2023

(VietQ.vn) - Một trong những nguyên nhân chính khiến ứng dụng TikTok vướng phải “làn sóng tẩy chay” toàn cầu là về lỗ hổng trong bảo mật an ninh dễ dẫn tới rò rỉ thông tin người dùng.

Trong một chia sẻ mới đây, ông Justin Trudeau - Thủ tướng Canada cho biết: "Tốt nhất là nhân viên chính phủ không dùng TikTok vì có nhiều lo ngại liên quan đến bảo mật an ninh dữ liệu". Mới đây, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua luật trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm Tiktok - ứng dụng video lan truyền thuộc sở hữu của công ty ByteDance của Trung Quốc, trên toàn lãnh thổ nước Mỹ

Ấn Độ đã cấm TikTok từ giữa năm 2020, khiến ByteDance mất đi một trong các thị trường lớn nhất của mình. Ấn Độ tố TikTok cùng hàng chục ứng dụng Trung Quốc khác bí mật chuyển dữ liệu người dùng sang máy chủ ở nước ngoài.

TikTok từng bị cấm tạm thời tại một số nước như Indonesia, Bangladesh và Pakistan vì truyền bá nội dung mà nhà chức trách cho là không phù hợp. Trong khi đó, xu hướng phổ biến hiện nay là cấm TikTok trên thiết bị công. Nhiều nước đã gia nhập danh sách như Canada, EU, Anh, Bỉ.

Chính phủ các nước bày tỏ sự lo ngại về vấn đề an toàn dữ liệu người dùng, quyền bảo mật riêng tư và các nội dung độc hại tràn lan mất kiểm soát trên TikTok. Ảnh minh họa

Tuần này, TikTok thừa nhận chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn ByteDance bán ứng dụng nếu không muốn bị cấm. Những năm qua, TikTok tham gia đàm phán với Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ để giải quyết những lo ngại về quan hệ của công ty với Trung Quốc, cũng như cách họ xử lý dữ liệu. CEO TikTok sẽ điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần tới. Tại đây, Ủy ban Thương mại và Năng lượng sẽ đặt câu hỏi về thực hành bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, cũng như quan hệ với Trung Quốc của TikTok.

Để trấn an nhà chức trách Mỹ, TikTok đã thực hiện một số biện pháp như chuyển tất cả dữ liệu người dùng Mỹ sang đám mây của Oracle. Theo Reuters, TikTok còn cho phép Oracle thanh tra một số mã nguồn của ứng dụng. Oracle cũng được giao nhiệm vụ bảo đảm hạ tầng công nghệ của TikTok độc lập với ByteDance.

Nhà lập pháp và nhà quản lý lo ngại TikTok và công ty mẹ ByteDance có thể đưa dữ liệu người dùng nhạy cảm như cho chính quyền Trung Quốc. Luật an ninh quốc gia Trung Quốc yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải cung cấp dữ liệu nếu cần thiết. TikTok phủ nhận các cáo buộc này và khẳng định họ hoạt động độc lập, không chịu sự kiểm soát của ai.

Bà Susan Ariel Aaronson - Giảng viên trường Quan hệ quốc tế Elliott (Mỹ) chia sẻ: "Không ngạc nhiên khi nhiều chính phủ muốn cấm Tiktok. Thời buổi này, data dữ liệu là nguồn lực quan trọng để phát triển một cường quốc kinh tế. Ví dụ, khi một chính phủ muốn phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, họ cần những nguồn dữ liệu khổng lồ. Không chính phủ nào muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua thu thập dữ liệu. Và họ cũng không muốn những dữ liệu cá nhân của công dân nước mình nằm trong tay một công ty nước ngoài nào đó". 

Ngoài ra, chính phủ tại các quốc gia còn lo lắng trước lượng dữ liệu mà TikTok thu thập được. Tháng 12/2022, ByteDance cho biết đã đuổi việc 4 nhân viên truy cập dữ liệu hai nhà báo của BuzzFeed News và The Financial Times trong khi đang tìm hiểu một vụ rò rỉ nội bộ. Người phát ngôn TikTok Brooke Oberwetter gọi hành vi này là “lạm dụng nghiêm trọng” thẩm quyền của nhân viên.

Bên cạnh đó TikTok còn hứng chịu những quan ngại về nội dung độc hại và tác hại đến sức khỏe tinh thần của thanh thiếu niên. Trong báo cáo cuối năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Chống Thù ghét trên mạng chỉ ra nội dung rối loạn ăn uống trên nền tảng thu hút 13,2 tỷ lượt xem. Mặc dù nhiều tài khoạn bị báo cáo vi phạm phải khóa vĩnh viễn, nhưng TikTok vẫn cho phép người dùng tạo tài khoản mới và đăng tải nội dung lên lại ngay lập tức. Bên cạnh đó, các tài khoản lấy lại nội dung sai phạm cũng không bị xử lý.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang