An Giang: Tạm giữ 7.500 cái khẩu trang và nhiều mỹ phẩm xuất xứ Thái Lan

author 13:30 04/12/2020

(VietQ.vn) - QLTT An Giang tạm giữ 7.500 cái khẩu trang và nhiều mỹ phẩm xuất xứ Thái Lan.

Vào lúc 14 giờ ngày 02/12/2020 tại xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, Đội QLTT số 1, Cục QLTT An Giang phối hợp với Thanh tra Giao thông và Cảnh sát Giao thông tỉnh tiến hành khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính đối với xe ô tô khách biển số 51B-159.38, do ông Nguyễn Hữu Phước điều khiển.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hàng hóa gồm 1.152 hộp Kem hiệu Vanill Nourishing cream loại 22g/hộp sản xuất tại Thái Lan. Trên sản phẩm không thể hiện ngày sản xuất và hạn sử dụng. Trị giá khoảng 11.500.000đ;

 Lô hàng bị bắt giữ.

Cùng với đó, trên xe còn vận chuyển 7.500 cái khẩu trang 4 lớp hiệu NY Protect Mask, loại 50 cái/ 1 hộp. Trên nhãn ghi sản xuất tại Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Như Ý, địa chỉ: C4,/41A Nguyễn Thị Sữa, ấp 3, Vĩnh Lộc A, Bình Chánh, TP.HCM. Trị giá khoảng 7.500.000đ.

Tại thời điểm khám phương tiện ông Nguyễn Hữu Phước không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa nêu trên.

Đội QLTT số 1 tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa để xác minh, làm rõ và xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Thời gian gần đây, khi tình hình dịch Covid-19 không ngừng diễn biến phức tạp thì các vụ bắt giữ khẩu trang nhập lậu ngày càng tăng lên.

Trong diễn biến liên quan tới tình hình buôn bán, vận chuyển, sản xuất hàng giả, nhập lậu diễn biến phức tạp không chỉ có ở Lạng Sơn mà nhiều tỉnh thành khác, do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Nghị định này bao gồm:

Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy phép kinh doanh, trừ trường hợp đã được quy định tại nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác; Hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; Hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác.

Hành vi vi phạm về kinh doanh thuốc lá; Hành vi vi phạm về kinh doanh rượu; Hành vi đầu cơ hàng hóa và găm hàng; Hành vi vi phạm về hoạt động xúc tiến thương mại; Hành vi vi phạm về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hành vi vi phạm về thương mại điện tử; Hành vi vi phạm về thành lập và hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài và người nước ngoài tại Việt Nam; Các hành vi vi phạm khác trong hoạt động thương mại. Trong đó: Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, phạt tiền từ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có trị giá dưới 3.000.000 đồng; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên…

Phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu quy định trong các trường hợp: Người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Hàng hoá nhập lậu là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, hoá chất, chế phẩm diệt con trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Hành vi vi phạm về nhập khẩu thuốc lá, giấy cuốn điếu thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Nhập khẩu thuốc lá không đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định; Nhập khẩu thuốc lá không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký…

Hành vi đầu cơ hàng hóa, mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng…; Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm quy định.

Hành vi vi phạm về khuyến mại, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng quy định về việc cung cấp, công khai thông tin về hoạt động khuyến mại khi thực hiện khuyến mại; Thu các khoản phí, lệ phí, tiền từ khách hàng hoặc yêu cầu khách hàng thực hiện bất kỳ nghĩa vụ thanh toán nào khác khi thực hiện hình thức khuyến mại đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền…

Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không thông báo rõ ràng, công khai với người tiêu dùng về mục đích trước khi thực hiện hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng theo quy định; Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được người tiêu dùng đồng ý theo quy định.

Thu Hà

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang