Đi biển mà thiếu ‘phố nhạy cảm’, nhiều người không muốn ở lâu

author 16:50 20/10/2015

(VietQ.vn) - Trưởng ban quản lý bãi tắm Trà Cổ cho biết, nhiều du khách Trung Quốc không muốn ở lại Trà Cổ lâu do bị chặt chém và khó tìm phố nhạy cảm.

Trà Cổ muốn lập ‘phố nhạy cảm’

Trước thực trạng bãi tắm Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) hiện nay chưa thu hút được lượng khách du lịch, báo Đất Việt dẫn lời ông Phạm Văn Huân, quyền Trưởng ban quản lý bãi tắm Trà Cổ cho rằng: “Thực tế, nếu nói lập phố nhạy cảm thì khó có được sự đồng tình. Thế nhưng đúng ra nên có những hoạt động như thế thì du lịch mới có điều kiện phát triển sầm uất được”.

lập phố nhạy cảm

Nhiều du khách TQ không muốn quay lại Trà Cổ do thiếu phố nhạy cảm. Ảnh minh họa

Ông Huân thừa nhận, việc lập khu phố nhạy cảm là một vấn đề tế nhị. Trước năm 2000, ở Trà Cổ phát triển rất mạnh vấn đề này, giờ thực hiện nghiêm nên không còn nữa.

Theo ông Huân, trước đó có rất nhiều khách Trung Quốc họ sang Trà Cổ, tuy nhiên do dân mình chặt chém họ quá nhiều, cộng thêm vấn đề nhạy cảm bị nghiêm cấm, vì vậy khách đến đây lưu trữ lại rất ít, họ thường vào Móng Cái hết. Chính vậy mà du lịch không có gì tạo điểm nhấn với khách du lịch.

"Theo tôi dựa vào thực tế địa phương nên phát triển phố nhạy cảm đi kèm thì du lịch mới phát triển. Giờ sản phẩm du lịch có rất nhiều, nhưng mỗi nơi phải có 1 sản phẩm riêng, đặc sắc thì mới thu hút khách.

Ngoài việc phát triển vấn đề nhạy cảm trên, để phát triển du lịch thì cũng cần dựa vào điều kiện tự nhiên vốn có, cơ sở hạ tầng, giá cả hợp lý và không chặt chém" - ông Huân nói.

Có nên công nhận mại dâm là một nghề?

Tại hội nghị giao ban công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2015, đại diện Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TBXH), Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Hồ Chí Minh và chi cục ở Thanh Hóa đều cho rằng tuy pháp luật hiện hành không công nhận mại dâm là một nghề nhưng thực tế mại dâm đã tồn tại rất lâu đời, vì vậy “chúng ta phải tạm thời chấp nhận như là một sự tồn tại lịch sử, nhưng phải có một chế định phòng chống như thế nào cho hiệu quả”.

Ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM đề xuất: “Trung ương nên mạnh dạn chỉ đạo cho thí điểm tại một số địa phương trọng điểm như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội… tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ nhạy cảm như khách sạn, quán bar, vũ trường, mát xa, xông hơi xoa bóp, karaoke, hớt tóc có tiếp viên nữ… vào một khu vực để tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước tốt hơn.

Theo ông Qúy, chúng ta “tập trung” các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ nhảy cạm để có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lây lan ra cộng đồng, đảm bảo sức khỏe, an ninh trật tự cho người vào vui chơi giải trí.

Trong khi một số địa phương đang “rụt rè” muốn xin cơ chế đặc thù riêng cho mại dâm thì Hà Nội kiên quyết phải dẹp bỏ việc này.

Tại hội nghị, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Hà Nội, cho rằng: "Không thể xem đó là một thực trạng tồn tại xã hội mà chấp nhận nó. Nếu vậy, mại dâm sẽ phát triển và ảnh hưởng lớn đến thuần phong mĩ tục", ông Thức nói và kiến nghị cần luật hóa hoạt động phòng chống mại dâm, nâng pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thành luật.

Bên cạnh đó, vị Chi cục trưởng Hà Nội nhấn mạnh phải xem lại biện pháp xử phạt đối với hoạt động mại dâm, bởi phạt càng nhiều thì người bán dâm càng hoạt động mạnh hơn để bù lại.

“Do vậy, để giải quyết tình trạng này cần tập trung các biện pháp giảm hại bằng các mô hình, bằng cơ chế, bằng chính sách để người bán dâm có công ăn việc làm ổn định”, ông Thức đề nghị.

Hoàng Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang