Cảnh sát châu Âu cảnh báo hành vi lừa đảo khi mua sắm trực tuyến

author 16:45 12/11/2021

(VietQ.vn) - Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cảnh báo, đại dịch COVID-19 đã khiến hành vi lừa đảo trong mua sắm trực tuyến tăng mạnh.

Cụ thể, Europol cho biết, đối tượng bị nhắm đến là những người làm việc tại nhà. 

Theo đó, các  thủ đoạn lừa đảo bao gồm rao bán mặt hàng, nhận tiền thanh toán nhưng không giao sản phẩm, lợi dụng lỗ hổng bảo mật của các cửa hàng trực tuyến hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng để tấn công giả mạo. 

Tấn công giả mạo là một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay. Theo đó, các đối tượng tội phạm giả mạo một đơn vị có uy tín hòng đánh lừa người dùng cung cấp thông tin cá nhân. Người dùng có nguy cơ bị xâm phạm quyền riêng tư, mất tài khoản mạng xã hội, thậm chí thiệt hại về kinh tế. 

Rủi ro khi mua hàng trực tuyến vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối đối không những tại thị trường quốc tế mà còn trong nước. Ảnh minh hoạ 

Tại thị trường trong nước, mua hàng trực tuyến còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người tiêu dùng vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại quyền lợi khi mua hàng trực tuyến như hàng hóa không giống như quảng cáo, hàng giao chậm, đã thanh toán nhưng không giao hàng, lộ thông tin cá nhân... Đặc biệt, tại thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện, sự bất cập trong giao dịch TMĐT càng lộ rõ hơn. 

Một khách hàng cho biết đã mua Tivibox và điều khiển chuột voice với đơn hàng trên 700.000 đồng trên Shopee nhưng khi nhận lại không sử dụng được nên yêu cầu đổi. Tuy nhiên, sản phẩm lần 2 vẫn không khác gì. Sau nhiều lần liên hệ để yêu cầu hoàn tiền, trả hàng, sàn giao dịch vẫn thoái thác trách nhiệm.

Tương tự, một khách hàng khác cũng rơi vào tình cảnh trớ trêu không kém. Đặt hàng và đã thanh toán tiền từ tháng 8 nhưng hàng liên tục trễ hạn giao. Gần 2 tháng sau, ứng dụng trên Shopee tự động cập nhật đã giao hàng, trong khi người mua chưa nhận hàng. Sau đó, khách hàng đã liên hệ với cả sàn TMĐT và đơn vị vận chuyển thì các bên đổ trách nhiệm qua lại cho nhau. 

Nhiều bất cập nảy sinh khi mua sắm trên các sàn TMĐT hiện nay. Không phủ nhận lợi ích về sự tiện lợi nhưng khi có sự cố hầu như mọi rủi ro người mua phải chịu. Còn sàn TMĐT, người bán, đơn vị vận chuyển đều dễ dàng phủi trách nhiệm.

Trong việc mua hàng trực tuyến, không chỉ nảy sinh hàng loạt bức xúc của người tiêu dùng khi mua hàng, mà còn có cả bức xúc của người bán về trách nhiệm của các sàn TMĐT. Rõ ràng pháp luật có quy định cụ thể nhưng vấn đề nằm ở cách áp dụng và triển khai của các bên liên quan khi chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Đối chiếu Điều 36, Nghị định 52 quy chế hoạt động của sàn TMĐT là các sàn phải có cơ chế tích cực tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tranh chấp của khách hàng.

Chính vì vậy, để xây dựng uy tín lâu dài đòi hỏi các chủ sàn phải thật sự xem trọng trách nhiệm của mình với khách hàng đã chọn sàn của mình để mua sắm. Trong trường hợp vẫn duy trì theo hình thức như hiện tại, sớm hay muộn sẽ nhanh chóng nhường miếng bánh thị phần này cho các sàn TMĐT nước ngoài đang đổ mạnh đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, hiện nay mua hàng trên sàn TMĐT, người tiêu dùng còn phải đối mặt với việc mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

TS Vũ Duy, giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ ra rằng, ngoài việc người tiêu dùng có nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả... thì hoạt động TMĐT còn gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc kiểm soát nguồn hàng và chống gian lận thuế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhận ra “cơ hội vàng” để đẩy mạnh TMĐT trong thời điểm xuất hiện dịch Covid-19, nhưng họ lại chưa được đào tạo bài bản để bắt kịp xu thế này. TMĐT là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi số. Xu thế này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi một bộ phận người tiêu dùng trẻ, nhưng vẫn còn một khoảng cách tương đối lớn đối với người cao tuổi, những người vốn chưa bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang