Lừa đảo qua mạng: Nhiều người vẫn dính bẫy, đâu là nguyên nhân?

author 06:12 22/07/2023

(VietQ.vn) - Bẫy lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng khiến nhiều người mắc bẫy dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần.

Thời gian gần đây, ngành chức năng liên tục phát đi cảnh báo về lừa đảo qua mạng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, trong đó mới nhất là thủ đoạn sử dụng AI (tên viết tắt của trí tuệ nhân tạo hoặc trí thông minh nhân tạo) để giả giọng người thân lừa tiền, hay chiêu lừa giả danh giáo viên, nhân viên trong trường gọi điện thoại cho phụ huynh học sinh yêu cầu chuyển tiền đóng viện phí cho con đang cấp cứu tại bệnh viện… Các chiêu lừa đảo như gọi điện thoại hoặc giả danh văn bản của cơ quan chức năng gửi cho nạn nhân để đe dọa hòng chiếm đoạt tài sản tuy không mới và đã được cảnh báo nhiều, nhưng đánh vào tâm lý hoang mang, lo sợ của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo đã rất tinh vi, dẫn dắt nạn nhân sập bẫy.

Thủ đoạn tinh vi gây khó trong xử lý

Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến diễn biến rất phức tạp. 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022.

Theo Bộ Công an, hiện có ba nhóm lừa đảo chính gồm giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên Zalo, Facebook và các hình thức kết hợp. Bộ Công an cũng liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video deepfake, đến những hình thức lừa đảo đơn giản như bán hàng giả, hàng kém chất lượng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến.

Như vậy, nói một cách đơn giản, lừa đảo trực tuyến phát triển song song với các hoạt động trực tuyến, đặc biệt nở rộ khi cuộc sống hằng ngày của chúng ta gần như phụ thuộc vào các giao dịch, kết nối trực tuyến. Sự đa dạng đó khiến cho con người trở nên hết sức khó khăn trong việc nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Dù hết sức cảnh giác nhưng các nạn nhân thường rơi vào tình trạng tránh chỗ này, bị chỗ khác, khi bất cứ hành động nào cũng có thể bị giả mạo, bất cứ đối tượng nào mình tiếp xúc cũng có thể là tài khoản "ảo".

Có nhiều nguyên nhân khiến hành vi lừa đảo qua mạng vẫn gia tăng dù đã được cảnh báo. Ảnh minh họa

Dù giá trị thiệt hại các vụ lừa đảo khi mua hàng trực tuyến không lớn nhưng trên thực tế, những hành vi này được coi là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và có thể bị xử lý theo các cấp độ khác nhau, hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc.

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144-2021/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi “dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác” sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tuy nhiên, khi bị lừa đảo qua mạng xã hội, đa số khách hàng thường có tâm lý e ngại, không tố cáo vì giá trị không quá lớn, hoặc không biết đến việc mình có thể tố cáo các hành vi này đến cơ quan chức năng. Đó là một trong những nguyên nhân khiến các vụ lừa đảo qua mạng khó bị xử lý và cũng tạo điều kiện cho các đối tượng lộng hành.

Sử dụng chiêu thức đánh trúng tâm lý

Dù đã có báo cáo về các cuộc gọi deepfake giả dạng gương mặt người thân, trên thực tế hình thức lừa đảo này lại không quá phổ biến tại Việt Nam. Bởi hình thức này đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt của người Việt Nam vẫn có tính cộng đồng cao, bố mẹ thường sống chung cùng con cái, nên những cuộc gọi giả dạng người thân khó có khả năng thực hiện.

Do vậy, hình thức lừa đảo qua mạng ở Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng những chiêu thức tâm lý. Các đối tượng bị lừa đảo qua mạng cho biết họ thường bị đánh đòn tâm lý, khiến phản ứng lập tức của họ là hoang mang, lo lắng không còn cơ hội tự xác minh lại vấn đề mà chỉ muốn nhanh chóng kết thúc vụ việc.

Thủ đoạn lừa đảo điển hình của trường hợp này là giả dạng cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... nói người nhà "vô tình" liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh... Trong tình huống này, nạn nhân thường mất bình tĩnh, mù mờ thông tin, hoảng sợ trước việc mình có thể bị kết án và nhanh chóng tìm cách chuyển tiền "chạy" tội.

Một dạng tâm lý khác là giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu... Đây là hình thức lừa đảo dễ dàng xác minh nhất, bởi bản thân người bị lừa không bị đe dọa về tính mạng hay có nguy cơ phạm tội. Tuy nhiên, khi mới xuất hiện, vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy lừa đảo này do quá hoang mang lo sợ và do sự đốc thúc liên tục của các đối tượng lừa đảo.

Tuy nhiên, chiêu thức tâm lý chính các đối tượng lừa đảo sử dụng vẫn là "việc nhẹ lương cao". Trên mạng xã hội, những bản tin thông báo tìm việc online, tuyển dụng công việc tại nhà thường xuyên xuất hiện tại các hội, nhóm cư dân, bán hàng.

Những công việc này đều có đặc điểm chung là có vẻ khá dễ dàng, ai cũng có thể thực hiện được. Ví dụ như những lời chào mời "nhận 10.000 đồng cho một lượt like video TikTok", người đăng ký chỉ cần like đủ 10 video trên TikTok và chụp ảnh gửi lại để báo cáo sẽ nhận được 100.000 đồng.

Tuy nhiên, sau khi chụp ảnh, người đăng ký lại nhận thông báo sẽ phải tiếp tục đóng tiền mua các gói cao hơn mới rút được khoản tiền trước. Nhưng những người tham gia sau khi đóng tiền mua thêm gói việc làm cao hơn sẽ bị chặn tin nhắn, không truy cập vào được app... và mất trắng tiền.

Các đối tượng có nhiều cách thức để tạo lòng tin

Những lời cảnh báo về lừa đảo qua mạng, những bài học lừa đảo qua mạng xuất hiện liên tục trên các diễn đàn, bản tin. Tuy nhiên, ngoài biện pháp giúp phát hiện ra thủ đoạn lừa đảo ngay lập tức như gọi điện thoại trực tiếp cho người nghi bị giả mạo, "hoãn binh" để chờ kiểm tra thông tin, các nạn nhân vẫn khó tránh khỏi bẫy do các đối tượng có nhiều cách thức để tạo lòng tin.

Người viết bài cũng từng thử đăng ký công việc với lời hứa hẹn hấp dẫn "nhận 10.000 đồng cho mỗi lượt like TikTok", khi thử tiếp cận các đối tượng lừa đảo việc làm trên mạng, đặt câu hỏi về tên công ty chủ quản, ngay lập tức các đối tượng lừa đảo cung cấp ngay thông tin về Công ty Trách nhiệm hữu hạn H.D và địa chỉ trụ sở.

Thường thì khách hàng sẽ cảm thấy yên tâm khi các đối tượng cung cấp thông tin pháp nhân. Tuy nhiên, hiện tại, việc thành lập một công ty tư nhân khá đơn giản. Chỉ cần căn cước công dân và địa chỉ trụ sở, chỉ sau 3 ngày, một người hoàn toàn có thể đăng ký thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Đây cũng là kẽ hở cho các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi của mình.

Ngoài ra, các đối tượng còn chủ động đưa ảnh chụp căn cước công dân để tạo lòng tin. Những người mua hàng hay tham gia các chương trình trên mạng thường sẽ chỉ xác nhận sự tồn tại của một chiếc căn cước công dân, mà không tiến hành bước xác minh tiếp theo rằng liệu nhân vật trong căn cước công dân đó thật sự tồn tại và đúng là đối tượng mình trao đổi hay không.

Việc lừa đảo mua hàng qua mạng cũng ngày càng trở nên tinh vi. Việc xem thông tin phản hồi của các khách mua hàng trước, yêu cầu kiểm tra video, hình ảnh thật... cũng không còn đủ độ tin cậy chắc chắn đối với khách mua hàng, khi các đối tượng có thể dễ dàng sử dụng nhiều nick ảo để tương tác tăng giá trị hàng, có thể lợi dụng kẽ hở khi giao hàng để tráo hàng kém chất lượng trước khi giao cho khách.

Bảo mật thông tin cá nhân vẫn là biện pháp cần thiết nhất

Khi rơi vào tình huống bị các đối tượng giả mạo lừa đảo qua mạng, thường nạn nhân rất khó tỉnh táo để tránh khỏi việc bị rơi vào bẫy. Vì vậy, biện pháp tốt nhất hiện tại vẫn là phòng còn hơn chống.

Người tiêu dùng nên nhận biết rằng, đặc điểm của những cuộc gọi deepfake giả dạng gương mặt người thân thường có tín hiệu không ổn định, hình ảnh không rõ ràng mặc dù vẫn mang những nét tương đồng về hình ảnh hoặc giọng nói của người đó cùng cách xưng hô quen thuộc (do đã được nghiên cứu từ trước).

Khi gặp những tình huống như vậy, đầu tiên người dân cần bình tĩnh. Sau đó cố gắng xác minh từ những nguồn khác như gọi số điện thoại di động, gọi cho những người đang ở gần với người yêu cầu chuyển tiền. Hoặc từ chính bệnh viện, cơ quan Công an, nhà trường tùy theo cuộc gọi trình bày lý do cần tiền... Tốt nhất người dân nên thấy và gặp trực tiếp, hoặc tiếp cận nhanh nhất tới hiện trường, địa điểm xảy ra nếu có thể. Thủ đoạn này hiện đang rất mới, tinh vi, rất cần mọi người nâng cao cảnh giác và chia sẻ đến người thân, bạn bè nắm và phòng ngừa.

Hầu hết đối tượng lừa đảo thường nắm được một phần thông tin cá nhân của nạn nhân và sử dụng như các "chiêu" về tâm lý. Bộ Công an khuyến cáo người dân cần chủ động tìm hiểu về các phương thức bảo mật thông tin, cập nhật tin tức mới nhất về các mối đe dọa bảo mật và học cách phòng ngừa chúng.

Nếu có điều kiện, cần sử dụng các công cụ bảo mật như phần mềm chống virus và phần mềm chống đánh cắp thông tin để bảo vệ tài khoản của mình trên mạng. Với những người có tuổi, đối tượng chính của những kẻ lừa đảo trên mạng, sự hỗ trợ của người thân là hết sức quan trọng.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS cho rằng, người dùng cần rèn luyện cho mình những "kháng thể" để chống lại các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi này. Áp dụng nguyên tắc zero trust (không tin bất kỳ ai) mọi lúc mọi nơi khi tham gia Internet.

"Không vội tin tưởng ngay mà cần xác minh lại một kênh độc lập, tin cậy khác. Không sẵn sàng chuyển tiền đến các số tài khoản không biết rõ hoặc không nằm trong danh bạ của mình. Cập nhật liên tục thông tin trên các phương tiện truyền thông để biết về các hình thức, chiến dịch lừa đảo mới", ông Sơn cảnh báo.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang